Ngày 25/8, Cơ quan thống kê New Zealand cho biết nồng độ pH của mặt nước biển ở các vùng biển gần Nam Cực giảm và tính axít của các vùng nước này cao hơn.
Theo cơ quan trên, độ axít của nước biển tại các vùng biển nói trên tăng 8,6% tương ứng với độ pH giảm từ 8,092 xuống 8,057 trong thời gian từ năm 1998-2020. Do thang đo pH là logarit, nên những thay đổi nhỏ về độ pH thể hiện sự thay đổi lớn về tính axít. Độ pH của đại dương thay đổi chủ yếu do nước biển hấp thụ khí CO2 trong khí quyển.
Cơ quan trên cho biết các đại dương là một bể chứa carbon lớn và rất có thể đã hấp thụ 20-30% lượng CO2 do các hoạt động của con người gây ra trong 2 thập kỷ qua. Việc hấp thụ khí CO2 giúp giảm mật độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển.
Tuy nhiên, khi nước biển hấp thụ CO2 từ khí quyển, các phản ứng hóa học tạo ra những ion hydro làm tăng tính axít của nước biển và giảm độ pH. Quá trình axít hóa đại dương xảy ra khi độ pH của các đại dương và vùng nước ven biển giảm trong một thời gian dài.
Theo Cơ quan thống kê New Zealand, axít hóa đại dương là mối đe dọa nghiêm trọng nhất do con người gây ra đối với hệ sinh thái biển. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại, sinh sản và phát triển của các loài sinh vật biển.
Axít hóa đại dương phá vỡ chuỗi thức ăn tự nhiên, gây tác hại trên diện rộng đối với các hệ sinh thái ở các vùng ven biển và đại dương.