Đại dương giúp giảm thiểu CO2

Các nhà khoa học và doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tiên tiến nhằm giảm thiểu khí thải CO2 bằng cách sử dụng tài nguyên từ đại dương.
0:00 / 0:00
0:00
Khoáng vật olivin giúp hút CO2 trong không khí tại các bờ biển. Ảnh: GETTY
Khoáng vật olivin giúp hút CO2 trong không khí tại các bờ biển. Ảnh: GETTY

AP cho biết, bao phủ khoảng 70% bề mặt Trái đất, hằng năm các đại dương hấp thụ một phần tư lượng CO2 do con người thải ra, theo ước tính của các nhà khoa học. Lượng CO2 trong khí quyển được hấp thụ thông qua các hợp chất của nước và không khí, cùng với một số phản ứng hóa học bao gồm sự quang hợp của các sinh vật phù du. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nước biển hấp thụ CO2, hợp chất này sẽ bị “khóa lại” dưới tầng sâu của đại dương trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Vì vậy, phương pháp sử dụng tài nguyên từ biển nhằm hấp thụ CO2 hiện được khai thác triệt để.

“Chúng ta cần phải nghiêm túc trong việc tìm ra giải pháp ngăn chặn CO2, nhưng chỉ sử dụng tài nguyên trên đất liền thì không đủ. Đại dương đóng một vai trò thiết yếu trong vòng tuần hoàn của CO2 và đó sẽ là nơi lưu giữ nhiều hợp chất này nhất. Vậy nên chúng ta cần tận dụng tài nguyên này song cố gắng không làm xáo trộn các vùng biển”, ông David Keller - nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu đại dương Helmholtz, Viện Khoa học biển Leibniz của Đức cho biết.

Một số doanh nghiệp đã lên ý tưởng riêng trong việc sử dụng đại dương để giảm lượng khí thải CO2. Dự án Vesta ở San Francisco (Mỹ) đang tiến hành thí nghiệm bổ sung một loại khoáng chất hấp thụ CO2 trong không khí vào nước biển. Cụ thể, olivin - một loại khoáng vật mầu xanh lá cây của núi lửa, sẽ được nghiền thành những hạt có kích cỡ tương đương hạt cát và được rải ở những bãi cát trên một hòn đảo thuộc vùng biển Caribe. Khi tiếp xúc với nước biển, olivin sẽ sinh ra một phản ứng nhỏ trên bề mặt giúp hấp thụ CO2 từ không khí. Trong khi đó, dự án trang trại tảo bẹ nổi của Công ty Running Tide (Mỹ) cũng đang được triển khai. Khi tảo bẹ lớn lên, chúng sẽ chìm xuống đáy đại dương, kéo theo lượng CO2 đã hấp thụ.

Ngoài hai dự án kể trên, trên thế giới cũng còn một số dự án sử dụng đại dương nhằm giảm khí CO2 khác và đã thu được những kết quả tích cực. Các nhà khoa học hy vọng rằng những dự án này sẽ góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.