New York sa thải hoặc đình chỉ nhân viên bệnh viện từ chối tiêm chủng

NDO -

Ngày 27/9, các bệnh viện tại New York, Mỹ, bắt đầu sa thải hoặc đình chỉ công tác của các nhân viên y tế không tuân thủ yêu cầu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của bang này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày đã tiêm mũi vaccine tăng cường tại Nhà trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường tại Nhà trắng, ngày 27/9. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường tại Nhà trắng, ngày 27/9. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27/9 đã tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường tại Nhà trắng. "Mũi tiêm tăng cường rất quan trọng, nhưng điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là khuyến khích nhiều người đi tiêm chủng hơn", ông Biden nói. Đệ nhất Phu nhân Jill cũng sẽ sớm tiêm vaccine tăng cường.

Ông chủ Nhà trắng cho biết thêm, khoảng 23% người Mỹ chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19. Mỹ sẽ phân bổ thêm vaccine cho thế giới trước khi cho phép tiêm vaccine tăng cường rộng rãi trong nước. "Chúng tôi đang giúp đỡ. Chúng tôi đang làm nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại", Tổng thống Mỹ khẳng định. 

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) bày tỏ ủng hộ tiêm vaccine tăng cường của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 65 tuổi trở lên, người trưởng thành có bệnh nền và người trưởng thành làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo nhà chức trách Mỹ, chỉ những người đã tiêm đủ liều vaccine Pfizer cách đây ít nhất sáu tháng mới đủ điều kiện để tiêm vaccine tăng cường. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chưa xem xét đề nghị của Moderna về việc thúc đẩy mũi vaccine tăng cường.

Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về sự cần thiết của mũi vaccine tăng cường trong bối cảnh vẫn còn nhiều người tại Mỹ và quốc gia khác chưa tiêm chủng. 

Bệnh viện tại New York sa thải hoặc đình chỉ nhân viên y tế từ chối tiêm chủng

Cũng trong ngày 27/9, các bệnh viện tại New York bắt đầu sa thải hoặc đình chỉ công tác của các nhân viên y tế không tuân thủ yêu cầu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của bang này. 

Thị trưởng TP New York Bill de Blasio cho biết tại một cuộc họp báo, các bệnh viện của thành phố vẫn chưa đối mặt với tác động lớn sau quyết định nêu trên. Tuy nhiên, ông Blasio bày tỏ lo lắng về tình hình tại các khu vực khác trong bang New York, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. 

Sở Y tế bang New York tháng trước đã yêu cầu tất cả nhân viên y tế tiêm ít nhất một mũi vaccine trước thời hạn 27/9. 

Tiến sĩ Mitchell Katz, người đứng đầu NYC Health + Hospitals, phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Blasio, trong 43.000 nhân viên tại 11 bệnh viện công của TP New York, có khoảng 5.000 người chưa tiêm chủng. 

Thứ bảy tuần trước, Thống đốc bang New York Kathy Hochul cho biết bà đang xem xét tuyển dụng nhân viên của Vệ binh Quốc gia và nhân viên y tế ở bang khác để giải quyết tình trạng thiếu nhân viên. Tại bang New York, 16% trong tổng số 450.000 nhân viên của các bệnh viện chưa tiêm chủng đầy đủ. 

Theo Văn phòng của Thống đốc Hochul, những nhân viên y tế bị sa thải do từ chối tiêm chủng sẽ không đủ điều kiện để nhận bảo hiểm thất nghiệp trừ phi họ cung cấp giấy đề nghị hợp lệ được bác sĩ chấp thuận về tình hình sức khỏe. 

Chile chấm dứt tình trạng khẩn cấp

Nhà chức trách Chile ngày 27/9 thông báo kết thúc tình trạng khẩn cấp vốn có hiệu lực từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020. Đây là tín hiệu cho thấy cuộc sống tại quốc gia Nam Mỹ này đang trở lại bình thường sau khi số ca mắc mới giảm mạnh. 

Tình trạng khẩn cấp cho phép Chính phủ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm và thực hiện các biện pháp kiểm dịch tại những khu vực bị dịch bệnh tấn công nghiêm trọng. 

"Trong ba tháng qua, tình hình y tế đã diễn biến thuận lợi, số ca mắc mới, ca chưa khỏi bệnh, ca nhập viện và tử vong giảm đáng kể", Tổng thống Sebastian Pinera phát biểu trước báo giới.

Chile là một trong những nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh và thành công nhất trên thế giới. Theo thống kê của Reuters, gần 3/4 dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, dẫn tới các trường hợp lây nhiễm giảm mạnh.

Chính phủ Chile cũng cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế về đi lại, mở rộng giới hạn đối với các sự kiện và không gian cộng đồng, mở cửa trở lại biên giới đối với du khách. 

Cùng ngày, giới chức y tế Chile thông báo bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi. 

Quốc gia láng giềng Argentina tuần trước cũng thông báo kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, có thêm nhiều hoạt động thương mại được phép diễn ra, dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời. 

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 28/9 (giờ Việt Nam):

Thế giới: 233.019.635 ca mắc, 4.767.891 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 75.414.499 ca mắc, 1.115.840 ca tử vong
2. Châu Âu: 58.585.042 ca mắc, 1.217.653 ca tử vong  
3. Bắc Mỹ: 52.751.770 ca mắc, 1.069.360 ca tử vong 
4. Nam Mỹ: 37.726.613 ca mắc, 1.152.491 ca tử vong
5. Châu Phi: 8.320.394 ca mắc, 209.725 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 220.596 ca mắc, 2.807 ca tử vong

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 43.893.187 ca mắc, 707.816 ca tử vong
2. Ấn Độ: 33.693.148 ca mắc, 447.406 ca tử vong
3. Brazil: 21.366.395 ca mắc, 594.702 ca tử vong
4. Anh: 7.701.715 ca mắc, 136.208 ca tử vong
5. Nga: 7.443.149 ca mắc, 204.679 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN: 
1. Indonesia: 4.209.403 ca mắc, 141.585 ca tử vong 
2. Philippines: 2.509.177 ca mắc, 37.494 ca tử vong 
3. Malaysia: 2.209.194 ca mắc, 25.695 ca tử vong 
4. Thái Lan: 1.571.926 ca mắc, 16.369 ca tử vong 
5. Việt Nam: 766.051 ca mắc, 18.758 ca tử vong 
6. Myanmar: 459.436 ca mắc, 17.583 ca tử vong 
7. Campuchia: 109.926 ca mắc, 2.261 ca tử vong
8. Singapore: 89.539 ca mắc, 80 ca tử vong
9. Lào: 22.441 ca mắc, 16 ca tử vong 
10. Brunei: 6.700 ca mắc, 38 ca tử vong

Thế giới bước vào làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới