Nhóm nghiên cứu của Đại học Rhode Island (Mỹ) đã hoàn thành một nhiệm vụ không hề đơn giản, đó là tính toán tổng khối lượng của hơn 1 triệu tòa nhà tại thành phố New York.
Nhóm này ước tính, gần 1.000 tỷ kg bê-tông, thép và kính tại New York đang đè xuống mặt đất, khiến nó từ từ lún xuống thấp hơn so với mực nước biển.
Trong khi đó, nước biển đang dâng lên do sự ấm lên của Trái đất và biến đổi khí hậu. Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã tăng khoảng 10cm kể từ năm 1992. Các nhà khoa học dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng từ 20cm đến 75cm trong 25 năm tới.
Theo kết quả nghiên cứu, tốc độ lún của các khu vực trong thành phố New York có sự khác biệt.
Một số khu vực tại New York đang lún nhanh với tốc độ lên tới 4mm/năm.
Phố Wall ở trung tâm tài chính của New York chỉ cao hơn mực nước biển 1-2m. Khu Midtown Manhattan được xây dựng trên đá; trong khi khu Brooklyn và Queens có nền đất yếu hơn, khiến quá trình lún diễn ra nhanh hơn.
Các khu vực ở Hạ Manhattan đã được mở rộng bằng cách cải tạo đất gần bờ biển, khiến mặt đất dễ bị tổn thương hơn trước lực hấp dẫn từ khối lượng của các tòa nhà. Do đó, có một số khu vực lún nhanh gấp 2 lần với tốc độ lên tới 4mm/năm.
Ước tính gần 1.000 tỷ kg bê-tông, thép và kính tại New York đang đè xuống mặt đất. (Ảnh: Reuters) |
Cần thay đổi chính sách
Những tòa nhà chọc trời và nước biển dâng có thể khiến thành phố New York dễ hứng chịu thiên tai hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, rủi ro do nước biển dâng gây ra chưa được đánh giá đúng mức và điều này có thể gây rắc rối cho hơn 8 triệu cư dân của New York trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu cho biết, dù tình trạng sụt lún tại New York hiện chưa khẩn cấp nhưng họ vẫn muốn cung cấp thông tin khoa học nhằm phục vụ công tác quy hoạch của thành phố trong tương lai.
“Đây là lúc chính sách phát huy tác dụng. Đây là lúc chúng ta có trách nhiệm tích hợp dữ liệu này, ngành khoa học này với các ngành khoa học khác và khoa học khí hậu, đồng thời thảo luận về các tác động”, ông Andrew Kruczkiewicz, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường đại học Khí hậu của Đại học Columbia (Mỹ), chia sẻ.
Và nhiều cư dân của thành phố New York cũng có quan điểm như vậy. “Chúng tôi mong đợi các nhà hoạch định chính sách suy nghĩ về biến đổi khí hậu, khả năng phục hồi và giảm thiểu rủi ro”, một người dân cho biết.
Tượng Nữ thần Tự do và đường chân trời của Manhattan, New York, năm 2021. (Ảnh: Reuters) |
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, mỗi tòa nhà cao tầng được xây thêm ven sông, biển đều có thể góp phần gây ra nguy cơ lũ lụt trong tương lai.
Tuy nhiên, hoạt động xây dựng không có dấu hiệu dừng lại. Những khu vực ven sông, biển từng hứng chịu sức tàn phá của bão Sandy và những trận lũ quét gần đây lại là nơi ghi nhận tỷ lệ phát triển nhà mới thuộc tốp cao nhất.
Các nhà quan sát cảnh báo, New York - thành phố có một số bất động sản đắt nhất nước Mỹ, sẽ bị thiệt hại rất nhiều nếu nước biển tiếp tục dâng cao làm xói mòn bờ biển.
Ông Peter Girard, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của tổ chức nghiên cứu Climate Central, cho biết: “Khi chúng ta nhìn rộng ra cả đất nước, chúng ta đang nói đến một lượng tiền đáng kể về cơ bản đã bị mất do nước biển dâng”.
“Tại New York, chúng tôi dự đoán đến năm 2050, số tiền này sẽ lên tới 1 tỷ USD”, ông Peter Girard nói.
Trên thực tế, thành phố New York đã đưa ra những yêu cầu nhằm bảo vệ các công trình trước sự tấn công của lũ lụt. Tuy nhiên, phần lớn các công ty bất động sản chưa triển khai các biện pháp bảo vệ công trình vì vấn đề chi phí. Các công ty thường miễn cưỡng thực hiện vì họ không nhận thấy động cơ tài chính nào để làm như vậy.
Giám đốc điều hành của công ty bất động sản Legacy Real Estate Development, ông Jerrod Delaine cho rằng, các doanh nghiệp luôn cố gắng giảm thiểu chi phí và sự thay đổi cần được bắt đầu từ cấp chính phủ hoặc thông qua các chính sách bảo hiểm và người cho vay.
New York là thành phố sở hữu một số bất động sản đắt đỏ nhất nước Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
New York đang dẫn đầu trong các khía cạnh của lĩnh vực hạ tầng xanh, chẳng hạn như quy định về lượng phát thải carbon của các tòa nhà. Tuy nhiên, thành phố này không có luật về phòng chống lũ lụt. Đây là lỗ hổng mà các chuyên gia cho rằng cần phải được khắc phục càng sớm càng tốt.
Các nhà quan sát ngành công nghiệp mong đợi sẽ sớm có quy định chặt chẽ hơn khi New York tìm cách bảo vệ đường chân trời - một trong những biểu tượng của thành phố này, trước sự ảnh hưởng của nước biển dâng.