ND- Hà Nội hiện có 1.270 làng nghề, trong đó 272 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Ðiều dễ nhận thấy là làng nghề Hà Nội vừa đa dạng về loại hình, vừa phong phú về sản phẩm, với 47 trên 53 nhóm nghề toàn quốc cùng khoảng 200 loại hàng thủ công.
Nhiều làng nghề mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử với tuổi đời hàng trăm năm, như đúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng..., cùng những tác phẩm nổi tiếng, tiêu biểu cho nghệ thuật dân tộc.
Làng nghề Hà Nội vốn được hình thành và phát triển qua thời gian, lâu dần trở thành truyền thống. Do thế mạnh "Kẻ Chợ", Hà Nội sớm thành nơi hội tụ nghề từ khắp các vùng miền trên cả nước, và đây chính là nét đặc trưng nổi bật. Sử sách còn ghi rõ, những người làng Hòe Thị (Từ Liêm) và Ða Sỹ (Hà Ðông) không chỉ đưa hàng hóa ra Hà Nội bán mà họ còn kéo nhau ra thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương mở lò rèn sắt, bán nhiều loại bừa, nên đổi thôn thành phố Hàng Bừa. Về sau không chỉ có bừa mà còn rèn ra nhiều loại sản phẩm khác, nên đổi thành phố Lò Rèn. Thợ Hòe Thị còn mở Lò Rèn ở phố Sinh Từ, Kim Mã, Ðê La Thành..., nay vẫn còn một số nhà ở phố Nguyễn Khuyến (Sinh Từ cũ), sản xuất các loại dao kéo Sinh Tài nổi tiếng. Phố Hàng Quạt trước đây sản xuất và bán các loại quạt do thợ làng Vác (Canh Hoạch, Hà Tây cũ) làm ra, nay chuyển sang sản xuất và bán các loại bàn thờ, đồ thờ, câu đối... Cuối thế kỷ 19, một số người dân làng Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm) sang mở hiệu đóng yên ngựa giày da, guốc dép, lập nên phố Hà Trung. Hiện phố này vẫn làm và buôn bán hàng da và giả da khá nhộn nhịp. Nghề làm tàn lọng và thêu ren do thợ làng Quất Ðộng (Thường Tín, Hà Tây cũ) ra lập nghiệp ở các phố Hàng Lọng (nay là đoạn đầu đường Lê Duẩn) và Hàng Thêu (nay ở đoạn giữa phố Hàng Trống). Người thợ làng Chắm (Tứ Lộc, Hải Dương) đã đưa nghề làm đồ da, đóng giày, dép đến Thăng Long lập nên thôn Hài Thượng (thợ giày) sau đổi là phố Hàng Giầy và ngõ Hài Thượng. Nghề làm đồ vàng bạc, kim hoàn hiện đang tập trung ở phố Hàng Bạc chính là do thợ làng Ðịnh Công (Thanh Trì), thợ làng Ðồng Sâm (Thái Bình) kéo nhau ra lập nghiệp. Rồi Hàng Tiện, nơi buôn bán các hàng tiện gỗ như mâm bồng, ống hương, đài rượu, khuôn oản, chân bàn... do người làng Nhị Khê làm, nay trở thành các phố Hàng Hành, Tô Tịch và một đoạn Hàng Gai. Hiện vẫn còn một vài nhà ở phố Tô Tịch làm nghề dũi gỗ. Phố Hàng Khay bán các sản phẩm vẽ làng Nhót (Ðông Mỹ, Thanh Trì), sản phẩm khảm trai của làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Tây cũ). Làng sơn mài Hạ Thái, nón làng Chuông, giò chả Ước Lễ, khảm trai Chuyên Mỹ...
Không thể không kể đến Lai Xá, một làng nghề nhiếp ảnh nổi tiếng, để thấy thêm những giá trị truyền thống được bồi đắp cho Hà Nội mở rộng. Từ tay máy nổi tiếng đất Kinh kỳ, Nguyễn Ðình Khánh người làng Lai Xá được truyền dạy bí quyết nghề ảnh. Lai Xá ghi dấu thương hiệu riêng qua những cửa hiệu Kim Lai, Mỹ Lai ở Hà Nội, Thịnh Ký ở Sài Gòn... Người trong giới vẫn truyền tụng bí quyết của thợ ảnh Hà Tây cũ: "Các tay máy của làng có thể chụp cả chục cuộn phim trong mọi điều kiện thời tiết mà độ bắt sáng vẫn đều tăm tắp"; "Người Lai Xá có thể sửa những tấm ảnh cũ trở nên sắc nét, có vẻ đẹp riêng so với những bức ảnh xử lý qua kỹ thuật số"...
Có thể nói, làng nghề là một môi trường văn hóa - kinh tế - xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ đời này sang đời khác, chung đúc ở các thế hệ nghệ nhân tài năng, với những sản phẩm có bản sắc riêng của mình, nhưng lại tiêu biểu và độc đáo của cả dân tộc. Ngày nay nhắc đến Ða Sỹ, người ta biết ngay đó là làng rèn nổi tiếng. Thực ra, Ða Sỹ vốn làm rồng. Rồng xuất hiện thường xuyên trong các lễ hội của làng. Do những mối lo cơm áo gạo tiền, người Ða Sỹ đã chuyển sang làm thợ rèn, một nghề có thu nhập cao hơn. Nghề làm rồng có thể đã chìm vào quên lãng nếu không còn lại một nghệ nhân già, ông Lê Ngọc Nguyện, dành hết tâm huyết để níu giữ. Ông Nguyện kể: "Không phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa người dân Ða Sỹ lại gắn bó với con rồng như vậy. Theo truyền thuyết, con đường vào làng là chín khúc rồng uốn lượn. Làng Ða Sỹ là đầu rồng. Hai cái giếng ở trong làng chính là hai mắt rồng. Vì sự linh thiêng đó mà từ xa xưa, rất nhiều người ở đây học hành đỗ đạt cao. Giờ thì ông Nguyện chỉ mong sao những con rồng Ða Sỹ sẽ được múa lượn trong Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội để mọi người có thể hiểu hơn về con rồng và hồn cốt Việt Nam.
Hiện làng nghề truyền thống Hà Nội đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn sáu trăm nghìn lao động, chiếm khoảng 65% dân số nông thôn và 42% tổng số lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố, thu nhập bình quân đạt khoảng một triệu đồng/người/tháng. Sự phát triển làng nghề đã góp phần tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại lên tới 80% với doanh thu hơn sáu nghìn tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Thủ đô.
Cùng với bước phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế, nhu cầu xã hội về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ đang có những thay đổi rõ rệt. Mặt khác, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhiều nghề thủ công và làng nghề truyền thống Hà Nội đứng trước cơ hội mở rộng, phát triển quy mô sản xuất chiếm lĩnh thị trường trong nước và lan rộng ra nhiều thị trường thế giới. Lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, chạm bạc Ðịnh Công, khảm trai Chuôn Ngọ, đồ gỗ Sơn Ðồng... vốn là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống nổi tiếng của Việt Nam được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, nay càng có điều kiện mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ. Trước cơ hội mới, các làng nghề cũng tìm cách xoay xở sao cho ngày một đa dạng và phong phú hơn nữa. Ngay cả quy mô sản xuất cũng không bó hẹp như xưa. Nếu trước đây chỉ là các làng nghề, phố nghề, thì nay một số nơi đã và đang phát triển thành các nhà máy, xí nghiệp có thiết bị công nghệ hiện đại. Ðiều cốt yếu là tinh thần "khéo tay hay nghề" thì không được phép sao nhãng.
Dẫu sao, các làng nghề cũng đang đứng trước thách thức không nhỏ, nhất là không phải nơi nào cũng giữ được truyền thống làng nghề của mình. Nguy cơ mai một làng nghề là vấn đề thật sự nan giải đối với các cơ quan chức năng cũng như những người trong nghề. Hiện Hà Nội có chủ trương ưu tiên khôi phục, bảo tồn 25 làng nghề lâu đời nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền như: sơn mài Ðông Mỹ, nón lá Ðại Áng, giấy sắc Nghĩa Ðô, tết thao Triều Khúc, giấy dó Vân Canh, đúc đồng Ngũ Xã... Tin rằng, cùng với sự phát triển không ngừng; bằng sự nỗ lực của mỗi nghệ nhân và người dân, làng nghề Hà Nội luôn giữ được những nét đặc trưng, thấm đẫm giá trị văn hóa, lịch sử của đất Kinh kỳ xưa.