Đồng chí Lê Thị Mỹ Phương, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Hải Dương cho biết: Thời gian vừa qua, bên cạnh việc triển khai nghiêm túc Chương trình hoạt động trải nghiệm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDÐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã linh động áp dụng nhiều hình thức tổ chức trải nghiệm đa dạng, phong phú ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường, đem lại những hiệu quả giáo dục tích cực.
Nhằm giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, khắc phục tình trạng coi hoạt động trải nghiệm như một hình thức tham quan, du lịch, làm lấy có, không đạt yêu cầu, nhiều cơ sở giáo dục đã có những giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong và ngoài nhà trường. Các nội dung trải nghiệm được các trường xây dựng theo tháng, gắn với các chủ đề của năm học. Hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa đa dạng, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh như tổ chức ngày hội sách, ngày hội Steam, ngày hội thể thao, hội chợ, trình diễn thời trang…
Trải nghiệm ở phường múa rối nước Hồng Phong (huyện Ninh Giang), các em được hòa mình trong không gian lịch sử xa xưa, thưởng thức những tiết mục múa rối nước vô cùng đặc sắc. Những hình ảnh vốn chỉ có trong sách vở, trong truyện cổ tích nay được tái hiện chân thực, sinh động, giúp các em hiểu hơn về loại hình nghệ thuật rối nước độc đáo, nhìn thấy sự kết tinh sáng tạo, trí thông minh, tài khéo léo của người dân nơi đây được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Ðến đền thờ Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ (huyện Ninh Giang), các em được nghe giới thiệu về dòng họ Khúc, tìm hiểu về cuộc đời và những chiến công hiển hách của ông. Sự trải nghiệm thực tế, gặp gỡ những nhân vật "người thật, việc thật" đã biến những trang lịch sử khô khan trong sách giáo khoa trở nên vô cùng hấp dẫn.
Thăm khu du lịch sinh thái Ðảo Cò (huyện Thanh Miện), các em tham gia nhiều hoạt động tập thể, trải nghiệm Steam, tranh Ðông Hồ mộc bản và du ngoạn "Ðảo ngọc giữa lòng hồ An Dương". Thuyền trôi giữa mênh mông sóng nước, ngắm nhìn những cánh cò bay giữa sắc xanh của mây trời hòa trong sóng nước, lắng nghe những câu chuyện về sự hình thành của đảo, về khôi phục bảo vệ môi trường sinh thái từ những người dân bản địa đã góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho giới trẻ.
Tới thăm Làng Gốm Chu Ðậu ở huyện Nam Sách, các em được đến các xưởng chế tác, trải nghiệm quy trình tạo ra sản phẩm nghề gốm. Học sinh được các nghệ nhân hướng dẫn tự vẽ ý tưởng của mình trên những chiếc cốc, chiếc hộp bút xinh xắn. Sau khi nung xong các em được nhận lại sản phẩm in đậm dấu ấn tuổi thơ. Ðiều này làm các em thích thú và để lại những ký ức khó phai.
Em Trần Bảo Ngọc, học sinh lớp 5A Trường tiểu học Nhị Châu phấn khởi cho biết: Trải nghiệm tại khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, các em hiểu sâu sắc hơn về truyền thống, lịch sử văn hóa dân tộc, quá trình hình thành khu di tích, hiểu rõ thêm cụ Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới và là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của Việt Nam.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhị Châu, thành phố Hải Dương cho biết: Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã đồng hành cùng Công ty cổ phần phát triển giáo dục Phoenix tổ chức hoạt động trải nghiệm tại Côn Sơn-Kiếp Bạc với chủ đề "Chúng em với lịch sử địa phương" cho học sinh khối 4-5; toàn trường cắm trại tại khu Ecopark thành phố Hải Dương với chủ đề "Kết nối vòng tay bạn bè", biểu diễn và vẽ tranh tại vườn hoa Trường Thịnh với chủ đề "Em yêu thành phố Hải Dương"; phối hợp tổ chức thành công chuyên đề "Giải pháp tổ chức hiệu quả hoạt động trải nghiệm lớp 3" cấp thành phố với sự tham gia của gần 100 cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học và 85 học sinh lớp 3 của trường.
Hoạt động trải nghiệm ở Hải Dương tuy có nhiều khởi sắc nhưng cũng còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Phạm Văn Huynh, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Thống Nhất khẳng định: Hoạt động trải nghiệm cho học sinh hiện nay là rất cần thiết và bổ ích. Khi tham gia các hoạt động trải nghiệm, các gia đình thường phải đóng góp kinh phí tự nguyện theo thỏa thuận, đó là một vấn đề bất cập và thiệt thòi cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, nguồn kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức hoạt động trải nghiệm còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Giáo viên còn loay hoay về phương pháp giảng dạy, lúng túng trong khâu xây dựng kế hoạch, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như chưa mạnh dạn, tự tin để đưa phương pháp dạy học tích cực vào tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Vì vậy, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường, tạo hành lang pháp lý để các trường thực hiện; cần bố trí hoặc hướng dẫn huy động nguồn kinh phí để tổ chức hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện cho 100% số học sinh trong toàn trường có cơ hội được tham gia; cần hướng dẫn các nhà trường lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực để thực hiện công tác phối hợp trong tổ chức hoạt động trải nghiệm.