Cùng hoàn cảnh như Phù Ðổng, các cầu thủ của câu lạc bộ Cần Thơ cũng bị nợ lương trong hai tháng cùng tiền thưởng cho bốn trận thắng từ đầu mùa giải đến nay. Ðể tránh tình trạng cầu thủ đình công, cho đến gần đây, các cầu thủ mới được câu lạc bộ tạm thanh toán một tháng lương.
Mùa giải nào cũng vậy, nợ lương, thưởng và các chế độ là câu chuyện lặp đi lặp lại của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Không chỉ cầu thủ ở các đội bóng hạng nhất mà cả những đội bóng tại Giải vô địch quốc gia (V.League 1) cũng gặp phải. Một năm trước, người hâm mộ bóng đá nước ta từng nuối tiếc nhìn đội bóng đang ở tốp ba đội dẫn đầu là Than Quảng Ninh giải thể vì không có tiền trả lương, thưởng cho các cầu thủ với các khoản nợ trong hai năm lên tới 70 tỷ đồng. Ngay ở “đất bóng đá” như Nam Ðịnh, vào đầu mùa giải năm nay, một số cầu thủ chẳng đừng được phải viết “tâm thư” trên mạng xã hội với mong muốn câu lạc bộ của họ thanh toán cho tiền nợ lương đã ba tháng.
Mới đây nhất, một câu lạc bộ được coi là dồi dào về tài chính, từng gây chú ý với những thương vụ, hợp đồng chuyển nhượng đình đám là Thành phố Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi những bất ổn nội bộ liên quan chuyện tiền nong khiến các cầu thủ cũng đình công không tập luyện do bị cắt lương, giảm tiền thưởng, tiền lót tay của mùa giải 2021. Có lẽ, đây là nguyên nhân phần nào khiến đội bóng đang phải vật lộn để trụ hạng khi rơi xuống vị trí áp chót trên bảng xếp hạng V.League 1-2022.
Việc nợ lương, chậm trả lương, thưởng và các chế độ thường ảnh hưởng lớn đến tâm lý của các cầu thủ, tác động tiêu cực đến đời sống cũng như gia đình, khiến họ không thể tập trung vào chuyên môn và làm giảm sút thành tích của các câu lạc bộ. Cũng từ chuyện nợ lương, thưởng, chế độ của các cầu thủ, có thể thấy những vấn đề bất cập, thiếu ổn định của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từ nền tảng cơ sở là các câu lạc bộ.
Trong đó, kinh phí hoạt động là vấn đề đau đầu nhất đối với các câu lạc bộ khi từng có không ít đội bóng tên tuổi ở sân chơi đỉnh cao là V.League 1 và ở V.League 2 đã phải dừng hoạt động trong 10 năm qua cùng chung một lý do chủ yếu là thiếu tiền, không đáp ứng được Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Ðến nay, sau hơn 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, phần lớn các câu lạc bộ bóng đá nước ta vẫn phụ thuộc vào sự tài trợ của doanh nghiệp hay nói rõ hơn là cá nhân các ông bầu tài trợ. Trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19 hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn. Việc cấp khoản kinh phí lớn tài trợ hằng năm như hiện tại cho các câu lạc bộ tham gia V.League, ít nhất theo quy định của VFF là 15 tỷ đồng cho một câu lạc bộ ở giải hạng nhất và khoảng 35 tỷ đồng cho câu lạc bộ dự giải vô địch quốc gia, đã là một nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp và các ông bầu.Nói thì như vậy, song theo các nhà quản lý và giới chuyên môn, thực tế kinh phí cho mỗi câu lạc bộ dự V.League 1 hiện không thể ít hơn 50 tỷ đồng/năm mới giúp câu lạc bộ có thể bảo đảm hoạt động và trả lương, thưởng cho ban huấn luyện, cầu thủ.
Duy trì hoạt động bằng kinh phí chủ yếu từ các đơn vị tài trợ và các ông bầu, cho nên sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam vẫn khá bấp bênh. Sự tồn tại và phát triển của các câu lạc bộ hoàn toàn tùy thuộc vào sự “lên xuống” của doanh nghiệp và có khi là cả sự thay đổi trong tính khí của ông bầu, không có được sự phát triển ổn định như mong muốn.
Chúng ta không phủ nhận đóng góp lớn cho bóng đá Việt Nam của một số cá nhân có nhiệt huyết và tầm nhìn, song trước đây và hiện nay cũng có những người làm bóng đá tùy hứng, thậm chí còn áp đặt, can thiệp trong cả công tác chuyên môn của ban huấn luyện, khi thành tích không như ý, họ sẵn sàng trả lại đội bóng cho địa phương và đơn vị chủ quản. Với các ông bầu này, việc sẵn sàng đầu tư mua về những cầu thủ ngôi sao, trả lương hậu hĩnh cho họ để tạo thương hiệu còn quan trọng hơn việc quan tâm đầu tư phát huy các tài năng từ nguồn lực nội tại hay đầu tư cho bóng đá trẻ của câu lạc bộ.
Với cách làm bóng đá thiếu chuyên nghiệp như vậy, khó tránh được sự so đo hơn kém, thiếu hết mình “vì mầu cờ, sắc áo” của các cầu thủ và không thể có được sự nối tiếp truyền thống từ bóng đá trẻ, yếu tố quan trọng cho nền tảng phát triển bền vững của câu lạc bộ.
Nguy cơ các đội bóng bỏ hoặc giải thể do “hết tiền” đã và đang gây nhiều khó khăn cho ban tổ chức các giải chuyên nghiệp, thậm chí làm tan rã giải là có thật. Qua đây có thể thấy vai trò của các ông bầu và doanh nghiệp tài trợ là quan trọng, nhưng vấn đề ở đây là các câu lạc bộ cần phải từng bước xây dựng được khả năng tự lực, tạo nguồn kinh phí ổn định, lâu dài để có thể chủ động hơn trong hoạt động.
Cho đến thời điểm hiện tại, bóng đá nước ta vẫn chưa có được những câu lạc bộ có thể tự “nuôi mình”, làm ra tiền từ bóng đá theo mô hình chuyên nghiệp như nhiều nước đã làm qua việc kinh doanh dịch vụ, quảng cáo thương hiệu, bán vé vào sân... Việc huy động các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa như định hướng chuyên nghiệp tiếp tục là bài toán hóc búa của các câu lạc bộ, đồng thời cũng là trách nhiệm của lãnh đạo VFF khi kỳ Ðại hội lần thứ 9 của Liên đoàn đang tới gần.