Nâng tầm quan hệ đối tác hải quan

Phát triển quan hệ đối tác hải quan và các bên liên quan là sự hợp tác giữa cơ quan hải quan với các đối tác chính trong chuỗi cung ứng như: Doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành, các cơ quan hải quan đối tác và các tổ chức quốc tế nhằm tạo ra mối liên kết hiệu quả trong quản lý thương mại xuyên biên giới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng trao Giấy khen cho tập thể các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan (Ảnh: customs.gov.vn)
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng trao Giấy khen cho tập thể các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan (Ảnh: customs.gov.vn)

Thực hiện tốt công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua việc tăng cường tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp và thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, song song với bảo đảm an ninh, an toàn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan đánh giá, sau 10 năm triển khai (2014-2024), công tác nêu trên đang gặp một số hạn chế về cách làm, còn mang tính chất giao lưu nhiều hơn là hướng đến hiệu quả công việc.

Tại nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố, nhiệm vụ này chưa thật sự được coi trọng, còn phân tán, thiếu tập trung trong tổ chức triển khai và giao tiếp với cộng đồng doanh nghiệp; thể hiện rõ nhất là, đội ngũ công chức làm nhiệm vụ chủ yếu là kiêm nhiệm tại đơn vị cho nên ảnh hưởng không ít đến hiệu quả công việc. Hình thức thông tin, giải đáp vướng mắc qua các mạng xã hội như zalo, facebook, viber… chưa bảo đảm tính pháp lý, an toàn thông tin.

Tổng cục Hải quan chưa có quy định rõ ràng về những trường hợp văn bản nào được chia sẻ, cung cấp thông tin ra bên ngoài cho cộng đồng doanh nghiệp. Thông tin cung cấp trên trang điện tử cấp cục còn hạn chế; nội dung thông tin còn chung chung, nhiều nơi chưa phân loại các văn bản thông tin phù hợp từng loại hình doanh nghiệp, kinh doanh xuất nhập khẩu; chưa thực hiện kết hợp các hình thức trực tiếp, gián tiếp, hoặc phối hợp các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục để giải đáp quán triệt các nội dung vướng mắc của doanh nghiệp; chưa có phần mềm trao đổi thông tin quan hệ đối tác, qua đó có thể kết xuất, thống kê được trong tháng, quý có bao nhiêu doanh nghiệp đặt câu hỏi, bao nhiêu ý kiến xây dựng chính sách, nội dung nào đã được tiếp thu, giải đáp…

Hoạt động tham vấn chưa được tổ chức thành cơ chế thường xuyên, nhất là công tác chuẩn bị tham vấn chưa kỹ lưỡng từng nội dung, đối tượng tham gia, giải pháp cũng như chưa quan tâm việc thông tin kết quả tham vấn cho nên chưa thu hút và tạo động lực để doanh nghiệp tham gia đóng góp trí tuệ, sáng kiến, giải pháp cho cơ quan hải quan; thời gian tổ chức lấy ý kiến tham gia về chính sách quản lý, thể chế pháp luật thường gấp, vì thế doanh nghiệp chưa tham gia được nhiều ý kiến...

Sau 10 năm triển khai, công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan đã mang lại lợi ích toàn diện cho tất cả các bên thông qua thúc đẩy thông quan nhanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Vì vậy, thời gian tới, công tác này cần được tiến hành phù hợp yêu cầu của sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; bảo đảm ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, cơ quan hải quan tiếp tục đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp đặc điểm loại hình doanh nghiệp và đặc thù địa bàn quản lý; đẩy mạnh việc thông tin các quy định pháp luật, quy trình thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới được ban hành và các chương trình, đề án cải cách hiện đại hóa trọng điểm của ngành hải quan; các điều ước, cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia tới cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan hải quan các cấp cần chủ động nghiên cứu, đổi mới đưa ra các giải pháp, sáng kiến, công cụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan phù hợp đặc điểm địa bàn, tính chất hoạt động của doanh nghiệp. Kịp thời dự báo các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong áp dụng chính sách pháp luật mới để giúp doanh nghiệp chủ động, xử lý nhanh các tình huống nghiệp vụ phát sinh; tiếp thu và giải quyết kịp thời các vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các hội nghị đối thoại; đưa hoạt động đối thoại trở thành công cụ để giải quyết bất đồng, xung đột của doanh nghiệp. Chú trọng tổ chức hội nghị theo chuyên đề, tập trung vào các vấn đề thương mại của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; tăng cường hoạt động tham vấn trước và sau khi ban hành chính sách, pháp luật hải quan nhằm bảo đảm tính phù hợp thực tiễn.

Trong định hướng phát triển quan hệ ngày càng gắn kết, đồng hành, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan hải quan được nâng cao, đã đến lúc cơ quan hải quan cần nghiên cứu nâng tầm quan hệ để triển khai hiệu quả chương trình quan hệ đối tác tin cậy, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và các đối tác.

Với vị thế đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là chủ thể chính của chuỗi cung ứng "hải quan-doanh nghiệp-các đối tác" để tự tin, trách nhiệm trong việc tham gia phản biện hoàn thiện chính sách, pháp luật, giám sát thực thi pháp luật, hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực hải quan.