Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số để cải thiện sinh kế

NDO -

Dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ hỗ trợ hơn 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số trong 1.550 hộ gia đình sống ở vùng sâu vùng xa của hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang cải thiện kinh tế.

Hội thảo về nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Hội thảo về nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Ngày 2/3, tại Hà Giang, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu và Hà Giang tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Nâng Quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (AWEEV). 

Theo đó, dự án AWEEV góp phần tăng cường phúc lợi kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy việc thực hiện quyền kinh tế, tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động kinh tế được trả công; đồng thời tăng cường tiếng nói và năng lực lãnh đạo của chính phụ nữ dân tộc thiểu số trong các quyết định liên quan đến hoạt động kinh tế hộ gia đình, các hoạt động sinh kế và sản xuất kinh doanh. Việc tăng phúc lợi kinh tế và chất lượng cuộc sống sẽ góp phần giảm tình trạng nghèo của phụ nữ dân tộc thiểu số và gia đình của họ.

Dự tính, sẽ có 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở chín xã của hai huyện Tam Đường (Lai Châu) và Quang Bình (Hà Giang) được hưởng lợi từ tác động của AWEEV.

Ngoài đối tượng tác động nói trên, dự án có nhiều sản phẩm nghiên cứu sẽ được chia sẻ trực tiếp các cơ quan quản lý nhà nước phụ trách quản lý các dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm mang lại bằng chứng thực tế cho các can thiệp tại nhiều vùng dân tộc thiểu số khác trên cả nước.

Ông Brian Allemekinders, Tham tán Hợp tác phát triển-Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho biết: “Canada hợp tác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc phát huy hết tiềm năng của phụ nữ để đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng là chìa khóa để đạt được các mục tiêu quốc gia. Canada mong muốn những kết quả mục tiêu của dự án được hiện thực hóa, bao gồm cải thiện đời sống kinh tế cũng như giảm gánh nặng chăm sóc cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số”.

Mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế được trả công sẽ được thực hiện thông qua việc tăng cường các cơ hội và nguồn lực kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp tại các địa phương. Ngoài ra, dự án đặc biệt chú trọng giải quyết các rào cản phụ nữ thực hiện các quyền kinh tế bằng việc hỗ trợ thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết gánh nặng công việc nội trợ và chăm sóc không được trả công và chiến lược thay đổi các khuôn mẫu giới gắn với việc phân công lao động theo giới và năng lực kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Liên quan mục tiêu của dự án, Giám đốc quốc gia tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, bà Lê Kim Dung cũng chia sẻ: “Với cách tiếp cận tổng thể và đa chiều, CARE kỳ vọng dự án sẽ trực tiếp đóng góp cho việc thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, thấy rõ hơn vai trò và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng và phụ nữ nói chung”.

Trong số các ưu tiên của dự án, việc xây dựng năng lực khởi nghiệp của các doanh nghiệp xã hội do phụ nữ lãnh đạo để theo đuổi các cơ hội kinh tế ở Việt Nam vẫn được đặt lên hàng đầu. Điều này được tăng cường nhờ sự tham gia ngày càng nhiều của phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số nghèo vào các hoạt động kinh tế được trả lương khi năng lực của họ được cải thiện, giúp họ kiếm thu nhập từ các hoạt động sinh kế như sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp có tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án cũng hợp tác với nhiều đối tác, bao gồm chính quyền địa phương, các tổ chức tại cộng đồng các tổ chức vì quyền phụ nữ, các công ty tư nhân và các tổ chức truyền thông. Sự hợp tác đa phương này dựa trên lợi thế cạnh tranh của mỗi đối tác để theo đuổi mục tiêu chung cải thiện phúc lợi kinh tế và vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số.