Trung Quốc liên tục sử dụng dầu thô trong kho dự trữ có thể hỗ trợ giá dầu trong quý I/2022?

NDO -

Sau khi chững lại vào quý II và quý III/2021 do thiếu hạn ngạch, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã cho thấy sự tăng trưởng trở lại vào những tháng gần đây khi một đợt hạn ngạch mới được phân bổ cho các nhà máy lọc dầu độc lập.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Xu hướng nhập khẩu của Trung Quốc

Kể từ sau khi giá dầu sụp đổ vào cuối quý I/2020, nhập khẩu của Trung Quốc đã luôn là một yếu tố quan trọng giúp giá bật tăng trở lại. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đã rất tích cực thu mua dầu thô để tận dụng mức giá rẻ nhưng trong năm nay thì nhập khẩu cũng tương đối cao mặc dù giá đã tăng lên nhiều, cho thấy nhu cầu bền vững đối với mặt hàng nhiên liệu hóa thạch.

Trong tháng 11/2021, Trung Quốc đã tiếp tục phải sử dụng dầu thô trong kho dự trữ để đáp ứng nhu cầu trong nước vì thông lượng lớn hơn tổng nhập khẩu và sản lượng nội địa khoảng 370.000 thùng/ngày. Trong vòng 8 tháng gần đây thì có đến 6 tháng các nhà máy lọc dầu phải sử dụng dầu tồn kho vì lượng dầu cần được xử lý nhiều hơn những gì có sẵn.

Liệu việc Trung Quốc liên tục sử dụng dầu thô trong kho dự trữ có thể hỗ trợ giá dầu trong quý I/2022? -0

Kể từ tháng 4/2021, lượng dầu thô mà Trung Quốc đưa vào các nhà máy lọc dầu đạt trung bình 9,1 triệu thùng/ngày, cao hơn tổng lượng nhập khẩu và sản xuất nội địa, cho thấy hàng tồn kho đã giảm đi khoảng 272.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm thì họ lại bổ sung thêm trung bình 60.000 thùng/ngày vào kho dự trữ, chủ yếu do lượng tồn kho tăng mạnh trong quý I/2021.

Dù vậy thì đây cũng là mức tăng không đáng kể vì trong những năm vừa qua Trung Quốc đều có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn tiêu thụ để gia tăng tồn kho. Thí dụ như trong năm 2020 thì lượng dầu thô được xử lý thấp hơn tổng nhập khẩu và sản lượng khoảng 1,26 triệu thùng/ngày.

Liệu xu hướng nhập khẩu của Trung Quốc có tiếp diễn?

Trong một vài năm trở lại đây, việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu để bổ sung vào kho là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu toàn cầu. Tuy vậy có khả năng xu hướng này sẽ kết thúc trong năm 2021. Câu hỏi được đặt ra trong năm sau là liệu Trung Quốc có tiếp tục nhập khẩu để bổ sung kho chứa hay việc lấp đầy gần như đã được hoàn thành.

Liệu việc Trung Quốc liên tục sử dụng dầu thô trong kho dự trữ có thể hỗ trợ giá dầu trong quý I/2022? -0

Mặc dù Trung Quốc không công bố lượng dầu thô nắm giữ nhưng trong năm ngoái thì các quan chức chỉ ra rằng tồn kho đã gần đầy và lượng dầu thô trong kho chứa gần bằng với nhập khẩu trong vòng 90 ngày, một con số được gợi ý từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trong thời gian qua, Trung Quốc cũng cho thấy sự sẵn sàng trong việc sử dụng kho dự trữ chiến lược (SPR) để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu nếu như giá quốc tế quá cao và gây ảnh hưởng đến mặt tài chính cho họ.

Lượng dầu giải phóng từ SPR tuy không lớn nhưng cũng có thể là một yếu tố kìm hãm nhập khẩu trong những tháng vừa qua. Có thể nói Trung Quốc đang khẳng định tầm ảnh hưởng của họ trên thị trường dầu thô, đặc biệt là với những nhà xuất khẩu thuộc OPEC+, rằng họ có đủ khả năng và sẽ hành động khi cần thiết để kìm hãm dầu thô tăng giá. Mặc dù mức giá mục tiêu không được tiết lộ nhưng dường như các nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc và Mỹ cho rằng 80 USD/thùng đối với dầu thô Brent là một mức giá khá cao.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), trong quý I năm sau có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không nhập khẩu quá nhiều vì đây là thời điểm nghỉ Tết. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là một yếu tố tiêu cực đối với giá dầu vì lượng nhập khẩu sẽ không giảm mạnh khi họ vẫn cần mặt hàng năng lượng này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu giữ cho giá khí tự nhiên ở mức cao và tạo ra nhu cầu chuyển đổi từ khí tự nhiên sang dầu.