Nâng đỡ những mảnh đời lầm lỡ

Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Ðảng, Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh Lê Văn Bình (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mua ngư cụ đánh bắt hải sản. (Ảnh TRẦN VIỆT)
Gia đình anh Lê Văn Bình (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mua ngư cụ đánh bắt hải sản. (Ảnh TRẦN VIỆT)

Tuy nhiên, trước đây chưa có cơ chế, chính sách riêng về tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho đối tượng này nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng. Quyết định số 22/2023/QÐ-TTg ra đời đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, thể hiện rõ phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đối với những người đã một thời mắc sai lầm, vấp ngã trong quá khứ, khát khao làm lại cuộc đời.

Quyết định số 22/2023/QÐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023 quy định rõ đối tượng vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội; danh sách do công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Mức vốn vay tối đa 100 triệu đồng/người; thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Ðối với cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, mức vay tối đa 2 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ngay sau khi Quyết định số 22/2023/QÐ-TTg có hiệu lực thi hành, từ 10/10 đến nay, đã giải ngân vốn vay cho 164 khách hàng với số vốn gần 12,5 tỷ đồng. Qua tổng hợp nhanh từ các địa phương, có hơn 2.000 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn, tổng số tiền gần 140 tỷ đồng. Trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người nhằm giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh. Ðể có nguồn vốn giải ngân ngay sau khi Quyết định có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội tạm giao chỉ tiêu kế hoạch cho các địa phương là hơn 57,5 tỷ đồng.

Anh Trần Thanh Phong, cư trú tại ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) là người vay đầu tiên tại huyện trong chương trình tín dụng người chấp hành xong án phạt tù. Năm 2002, anh bị tuyên phạt án tù chung thân. Tuy nhiên, do những nỗ lực cải tạo tốt, đến tháng 10/2022, anh được giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù, trở về địa phương. Gia đình có 16 công đất, tuy nhiên anh và người thân gặp khó khăn do không có vốn để phát triển sản xuất.

Khi nhận thông tin về chính sách cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh trình bày nguyện vọng với Ủy ban nhân dân xã và Công an xã Vĩnh Phong để được đưa vào danh sách vay vốn. Vui mừng đón nhận 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Phong cho biết sẽ dùng số tiền này cải tạo ao nuôi tôm và hứa sẽ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập giúp vợ con trang trải cuộc sống, bù đắp cho họ những ngày anh vắng nhà.

Ngày 20/10, tại Ủy ban nhân dân xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện giải ngân vốn vay cho trường hợp đầu tiên trong tỉnh theo chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là ông Mai Văn Ca, sinh năm 1961, trú tại ấp Trọng Ban, xã Ðông Hưng.

Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cái Nước Trần Thanh Biên cho biết: Trở về địa phương, ông Ca sống một mình, chỉ có vài công đất nuôi tôm, thu nhập bấp bênh, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thấy ông chí thú làm ăn, chính quyền địa phương phối hợp Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tiếp cận, tạo điều kiện cho ông Ca vay vốn phát triển kinh tế. Thời gian trước, ông Ca đã tiến hành xây chuồng nuôi heo, nhưng do không đủ tiền đầu tư nên việc xây dựng đành bỏ dở. Khi biết có chủ trương, ông Ca mạnh dạn làm đơn xin vay số tiền 50 triệu đồng, xây dựng chuồng trại, mua con giống.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: Với thông điệp "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", cả hệ thống chính trị và Ngân hàng Chính sách xã hội luôn sẵn sàng triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung, chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, trên tinh thần cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện "phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã"; tiến hành công khai chính sách đến các điểm giao dịch xã, để "mỗi cán bộ là một tuyên truyền viên" tuyên truyền chính sách đến cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, người dân trên địa bàn. Mặt khác cán bộ phối hợp chặt chẽ công an cấp xã thực hiện việc tiếp nhận danh sách đối tượng thụ hưởng của chương trình; Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác hướng dẫn khách hàng vay vốn hoàn thiện hồ sơ vay vốn, giải ngân kịp thời, tư vấn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đôn đốc trả nợ, trả lãi đúng hạn.

Trong quá trình giám sát, quản lý và giáo dục sinh kế cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, việc tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn còn những hạn chế. Các thôn trưởng, các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn tâm lý e ngại trong bình xét cho vay, do sợ gặp khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát vay và khả năng hoàn trả vốn khi đến hạn trả nợ.

Do vậy, để quyết định nhân văn này được triển khai nhanh chóng, Ủy ban nhân dân cấp xã cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách cho vay để mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả nhất.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QÐ-TTg, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc; kịp thời tham mưu ngay với Ủy ban nhân dân các cấp ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 22, phân công rõ ràng, trách nhiệm, nội dung công việc của các cơ quan liên quan.

Ðồng chí đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các sở, ban, ngành ở địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, triển khai các việc cần làm sớm, làm ngay; nhất là về tham mưu bố trí nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, rà soát, bảo đảm đúng đối tượng được vay vốn, phối hợp giám sát thực hiện vốn vay. Trong quá trình thực hiện, phải tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện trong việc vay vốn...