Báo cáo của Bộ Công an cho biết, tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đang để lại những hậu quả nặng nề đối với cá nhân, gia đình và xã hội khi mỗi năm khiến gần 500 học sinh chết và hơn 800 em bị thương.
Trên phạm vi toàn quốc, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông khi đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô-tô rất đáng lo ngại, là nguyên nhân chủ yếu của phần lớn vụ tai nạn giao thông gây chết người. Theo thống kê của lực lượng chức năng, các vi phạm phổ biến là: điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện… Cục Cảnh sát giao thông cho biết, 10 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện, xử lý hơn 64.400 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó, hơn 30.600 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy.
Có thể thấy, phần lớn lỗi vi phạm là do hạn chế về nhận thức, ý thức của các em. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do kỹ năng điều khiển phương tiện của học sinh chưa tốt, hoặc do chủ quan, thiếu kiến thức pháp luật về an toàn giao thông. Vì vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh là rất cần thiết.
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến những kỹ năng, hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Công tác giáo dục an toàn giao thông dù được nhà trường lồng ghép vào chương trình chính khóa nhưng chưa có trong nội dung thi, kiểm tra đánh giá, dẫn tới học sinh lơ là, chưa quan tâm. Những tài liệu giáo dục an toàn giao thông chưa ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo. Nội dung giảng dạy chủ yếu lý thuyết, ít thực hành, nhất là thực hành kỹ năng tham gia giao thông và điều khiển các phương tiện.
Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nên kết hợp giáo dục trong chương trình chính khóa với các hoạt động trải nghiệm; giáo dục gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, các hoạt động của nhà trường; sử dụng phương tiện truyền thông như poster, biểu ngữ, truyền hình, radio, mạng xã hội và trang web của trường để tuyên truyền về an toàn giao thông.
Việc tuyên truyền về an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mới tác động lâu dài đến nhận thức, ý thức, làm thay đổi hành vi của các em khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu tính khả thi của giải pháp tổ chức đào tạo và sát hạch, cấp chứng chỉ lái xe đối với học sinh nhằm nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông, chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông trong học đường.