Trong sửa đổi, bổ sung quy chế thi năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định trách nhiệm của thí sinh “chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý”.
Như vậy, với quy định mới, từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh không được mang vào phòng thi “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác” như các kỳ thi trước đây. Đây là điểm khác biệt lớn nhất trong kỳ thi năm nay, bởi những năm qua, thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhằm tăng giám sát, trách nhiệm và sự nghiêm túc của kỳ thi.
Tuy nhiên, việc thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình đã tạo nên áp lực, căng thẳng và gây khó khăn cho công tác coi thi. Các cán bộ coi thi không thể xác định thiết bị ghi âm, ghi hình nào được mang vào phòng thi; thiết bị nào không được mang vào phòng thi. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh, liên tục thay đổi thì việc xác định đầy đủ tính năng, tác dụng của các thiết bị công nghệ cần có các đơn vị chuyên môn và không thể thực hiện ngay tại phòng thi.
Nếu xảy ra tình huống phải xác định tính năng thiết bị công nghệ ghi âm, ghi hình sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân thí sinh đó và giám thị, mà còn ảnh hưởng đến việc làm bài thi của các thí sinh khác… cho nên việc quy định không được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi là cần thiết.
Cán bộ tham gia công tác đề thi, in sao đề, coi thi, thanh tra, chấm thi… có vai trò quyết định trong việc thực hiện kỳ thi nghiêm túc, khách quan. Vì vậy, các địa phương khi lựa chọn cán bộ làm công tác thi cần bảo đảm đúng quy chế, có tinh thần trách nhiệm cao.
Cùng với quy định liên quan trách nhiệm của thí sinh một số điểm quy định liên quan đến trách nhiệm cán bộ làm nhiệm vụ thi, soạn thảo và phản biện đề thi, in sao đề thi cũng được sửa đổi bổ sung. Trong đó, các ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học-kỹ thuật; người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi… trong các hội đồng thi, hội đồng ra đề, ban in sao đề thi đều phải là công chức, viên chức, giảng viên và giáo viên cơ hữu trong ngành giáo dục.
Như vậy, theo điểm mới trong quy chế thì “người lao động” không được tham gia các vị trí công việc như trên của kỳ thi như những năm trước. Điều này nhằm tăng cường trách nhiệm của những người làm công tác thi, tránh trường hợp người lao động hợp đồng tham gia vào các nhiệm vụ liên quan đề thi nhưng không có đủ phẩm chất, kinh nghiệm và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ như đã từng xảy ra.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm liên quan đến hàng triệu người, chỉ cần một người hoặc một khâu thực hiện không tốt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ kỳ thi. Trong đó, cán bộ tham gia công tác đề thi, in sao đề, coi thi, thanh tra, chấm thi… có vai trò quyết định trong việc thực hiện kỳ thi nghiêm túc, khách quan. Vì vậy, các địa phương khi lựa chọn cán bộ làm công tác thi cần bảo đảm đúng quy chế, có tinh thần trách nhiệm cao. Mỗi cán bộ làm công tác thi nêu cao ý thức, thực hiện nghiêm các quy định sẽ tránh được rủi ro, sai phạm.
Đáng chú ý, nhiều năm qua, ngành giáo dục đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thay vì dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, đơn thuần kiểu “đọc-chép”.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới cả trong lựa chọn cán bộ, giáo viên, giảng viên có đủ trình độ, năng lực tham gia hội đồng, soạn thảo, phản biện đề thi. Bảo đảm đề thi phù hợp với đổi mới dạy học phát triển phẩm chất, năng lực; tăng những câu hỏi, những bài thi áp dụng kiến thức liên môn giải quyết những vấn đề, tình huống trong thực tiễn chứ không phải những bài khuôn mẫu, có sẵn để thí sinh “học tủ”.
Ngành giáo dục cần tập huấn kỹ nghiệp vụ làm công tác thi, tăng cường tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, thí sinh bảo đảm nghiêm kỷ luật trường thi.