Tiêu điểm

Nâng cao toàn diện đời sống của cư dân nông thôn

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 15 năm đi vào đời sống, không chỉ thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà cốt lõi đã thay đổi tư duy và phương thức sản xuất nông nghiệp. Để đạt mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết số 19, Trung ương đã đề ra chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và lộ trình cụ thể. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao toàn diện đời sống của cư dân nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Đường về xã nông thôn mới Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: Trọng Duy
Đường về xã nông thôn mới Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: Trọng Duy

Những vùng quê đáng sống

Ai đã từng tới thôn Chùa Vàng, xã Minh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khoảng 10 năm trước, giờ trở lại, hẳn sẽ ngạc nhiên với những đổi thay nơi đây. Phong trào nông thôn mới đã mang đến sự khác biệt từ cảnh quan, môi trường, đến phương thức trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cư dân trong thôn. Đi đầu nêu gương, có sự vào cuộc của chi bộ và các đảng viên, với việc lựa chọn những mô hình thiết thực, như "đêm đèn sáng điện, ngày đường nở hoa"; đồng thời đóng góp tiền, ngày công, hiến đất xây dựng lò đốt rác để bảo vệ môi trường…

Câu chuyện ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) cũng thú vị không kém. Trước khi phong trào nông thôn mới "gõ cửa", "tài sản" của huyện chỉ là 10km đường nhựa đã xuống cấp. Người dân xóm, ấp chẳng dám mơ một ngày có xe máy, ô-tô. Hồng Dân hiện nay đã khác, được gọi là vùng quê của những cây cầu. Trên đường vành đai sông Cái dài 17km có tới 30 cây cầu, vừa thuận tiện giao thông vừa là công trình chống xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thay đổi thói quen canh tác trên vùng đất phèn, khai thác tiềm năng từ đất đai, hệ thống kênh rạch và chính sách đầu tư của Nhà nước, các địa phương trong huyện thực hiện đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Kết quả xây dựng nông thôn mới ghi nhận sự hưởng ứng, đóng góp tích cực của toàn dân. Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua các phong trào thi đua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Theo Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn giai đoạn 2016-2020 là khoảng 942 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so giai đoạn trước đó. Nông thôn đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, điều kiện sinh sống của người dân nông thôn được cải thiện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống.

Đến năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62,4%), có 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nông thôn mới; bốn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn tăng 4,5 lần (vượt mục tiêu đề ra là 2,5 lần). Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân từ 1 đến 1,5%/năm.

Bảo đảm khai thác tối đa lợi thế quốc gia

Điều quan trọng đạt được qua quá trình thực hiện nông thôn mới là tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Năng lực làm chủ của cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Điểm mới nổi bật trong Nghị quyết lần này là Trung ương xác định rõ: nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực, đồng bộ từ nhiều phía.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cần có sự tiến hành đồng bộ các giải pháp về đất đai, tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị, phát triển khoa học và công nghệ, chuyển đổi lao động, phát triển thị trường, thể chế, chính sách… Trong đó, về chuyển đổi lao động, cần từng bước nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa thông qua đổi mới chương trình đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn; phân cấp mạnh mẽ hoạt động khuyến nông cho các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ thu hút lao động là thanh niên có sức khỏe, có trình độ cao tham gia vào mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, trở về lập nghiệp tại địa phương.

Song song các chương trình phát triển kinh tế cần quan tâm và phát huy yếu tố văn hóa khu vực nông thôn. Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mô hình "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" không nên được xem là mô hình chuẩn mực và duy nhất để áp lên tất cả các cộng đồng, tộc người, mà nên dựa vào những cái họ có để xây dựng những điều họ muốn, đồng thời không phá vỡ tính chỉnh thể của văn hóa cộng đồng. Để đạt được điều này, trong quá trình phát triển khu vực nông dân, nông thôn, cần quan tâm hơn nữa đến việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa và đa dạng tri thức bản địa của các cộng đồng và đó phải được coi là nền tảng.