Hiện nay, các FTA trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời là xu hướng mở rộng hợp tác kinh tế được nhiều quốc gia lựa chọn. Theo thống kê của Ban Thư ký Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến ngày 17-1-2020, trên thế giới có hơn 303 hiệp định FTA có hiệu lực trong tổng số 483 hiệp định FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO.
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Việt Nam là thành viên của nhiều FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA).
Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. “Cùng với việc gia nhập WTO từ năm 2007, việc tham gia các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Khi thế giới bị “đứt gãy” chuỗi cung ứng hàng hoá, nhiều chỉ số kinh tế trong nước sụt giảm thì bán lẻ hàng hóa nổi lên là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô. Đây là kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò của nguồn cung hàng hóa nội địa trong các bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, đồng thời thể hiện rõ vai trò của hàng Việt tại thị trường nội địa.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại, các doanh nghiệp (DN) Việt cũng đứng trước nhiều thách thức khi hàng hóa của nhiều quốc gia sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan. Những nhóm ngành hàng mà Việt Nam có sức cạnh tranh yếu như nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và một số ngành dịch vụ sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Để hỗ trợ các DN, Bộ Công thương đã và đang phối hợp các đối tác nước ngoài như Bộ Ngoại giao Canada thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững - Hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong thực thi CPTPP” cho hơn 300 DN vừa và nhỏ của Việt Nam; tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên sâu về CPTPP đối với từng thị trường Chile, Mexico, Peru, diễn đàn thương mại Việt Nam – Đông Âu,...
Tại thị trường trong nước, trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; xúc tiến thương mại trong nước; thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài,...
"Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, các DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh", đại diện lãnh đạo Bộ Công thương lưu ý.
Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế "sân nhà".
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông thẳng thắn chia sẻ, DN hoạt động trong nền kinh tế đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, bị khuyết thiếu cơ cấu nghiêm trọng. Do đó, khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý,... bị hạn chế, chưa có chiến lược đầu tư phát triển dài hạn.
PGS,TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng thắng thắn: “Không thể bác bỏ thực trạng yếu kém thực lực của các DN Việt sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường – mở cửa. Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được “trạng thái bình thường mới”, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp “nóng”, nhanh chóng đoạn tuyệt hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin – cho” và nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường.
“Hai yếu tố nêu trên, vận hành trong không gian công khai, minh bạch sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh, điều mà DN Việt Nam cần nhất hiện nay”, PGS, TS Trần Đình Thiên nêu rõ.