Xã Keng Đu, huyện 30a Kỳ Sơn (Nghệ An) là địa bàn biên giới hết sức khó khăn với địa hình rừng núi hiểm trở, chia cắt; cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu, cộng với trình độ dân trí thấp, số người chưa biết tiếng phổ thông còn nhiều, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên việc tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân gặp không ít trở ngại.
Phó Chủ tịch UBND xã Keng Đu Lương Văn Thoong cho biết: Để triển khai hiệu quả Đề án, địa phương đã kịp thời xây dựng kế hoạch, phối hợp với Đồn Biên phòng Keng Đu và các hội, đoàn thể thành lập đội liên ngành để đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền đến đồng bào.
Ngoài việc tổ chức tuyên truyền tập trung, trực tiếp, hay qua hệ thống loa truyền thanh, đội liên ngành còn chú trọng tổ chức tuyên truyền lưu động định kỳ hay đột xuất tới tận ngõ bản, để mọi người dân, ai cũng có thể nghe các thông tin về pháp luật, an ninh biên giới... Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại trở lại, thời lượng tuyên truyền lưu động đã được tăng cường, bằng cả tiếng phổ thông và ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc.
Không chỉ Keng Đu, các địa phương dọc tuyến biên giới, nhất là xã có nhiều bản ở xa trung tâm, cách trở còn vận dụng mạng xã hội như zalo, facebook để tuyên truyền được nhân dân ủng hộ… Nội dung tuyên truyền được Bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp địa phương biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với trình độ, nhận thức đồng bào để người dân dễ tiếp thu.
Là lực lượng thường trực thực hiện Đề án, BĐBP Nghệ An đã vận dụng sáng tạo các cách thức tuyên truyền, với mục tiêu: đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân một cách gần gũi, kịp thời nhất; gắn việc nói với làm, để bà con nhân dân dễ tiếp thu và đồng lòng bảo vệ an ninh biên giới, tuân thủ các quy định pháp luật.
Các đồn biên phòng đã lồng ghép việc giúp đồng bào phát triển kinh tế gắn với triển khai tuyên truyền Đề án. Phân công rõ trách nhiệm của từng đảng viên BĐBP kèm cặp từng nhóm hộ đồng bào phát triển sản xuất, nhất là gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay. Điển hình như mô hình trồng rau, dưa trên rẫy của Câu lạc bộ phụ nữ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới (gọi tắt Câu lạc bộ) của bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn).
Qua tuyên truyền vận động và hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc, hỗ trợ cây con, giống của BĐBP mà các hội viên phụ nữ nghèo trong bản có thêm thu nhập để từng bước phát triển kinh tế gia đình ổn định.
Chị Hờ Y Nhúa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bản Huồi Viêng cho biết: “Trong một năm qua, nhờ sự giúp sức của BĐBP, chị em trong Câu lạc bộ làm một mùa rau và một mùa dưa, thu hoạch được khoảng 200 triệu đồng, giúp được nhiều cho gia đình của chị em cải thiện cuộc sống. Thông qua Câu lạc bộ giúp bà con phát triển kinh tế, đồng thời BĐBP cũng tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, qua đó nắm rõ tình hình an ninh trật tự vùng biên…”.
Cần mẫn và trách nhiệm, những người lính quân hàm xanh đã tham gia cùng bà con nhân dân lao động sản xuất. Người dân thiếu con giống, bộ đội cấp giống; người dân thiếu khoa học kỹ thuật, bộ đội bắt tay vào hướng dẫn tận tình... Qua đó, càng thắt chặt tình quân dân, người dân càng tin yêu BĐBP và cùng BĐBP giữ bình yên tuyến biên giới.
Nhờ sâu sát cơ sở nên những mâu thuẫn trong từng gia đình, trong cộng đồng dân cư, BĐBP cùng với địa phương và các đoàn thể chính trị đã hoá giải kịp thời với tinh thần “lạt mềm buộc chặt”. Bà con nhân dân chấp hành và tuân thủ quy định pháp luật một cách tự nguyện.
Trước đây, mỗi lần uống rượu vào hoặc khó khăn trong cuộc sống là anh La Văn Lỳ ở Bản Phồng, xã Tam Hợp (Tương Dương) lại có hành vi bạo lực với vợ con. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiên trì tuyên truyền, vận động của các hội viên Câu lạc bộ và cán bộ biên phòng, anh La Văn Lỳ đã nhận thức được việc làm sai trái của mình. Câu lạc bộ bản Phồng và đồn Biên phòng còn hỗ trợ gà giống để giúp gia đình anh phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Từ sự chia sẻ, động viên đó đã thức tỉnh anh Lỳ, giúp anh quyết tâm sửa chữa và cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng tổ ấm gia đình. Anh La Văn Lỳ chia sẻ: “Bản thân đã được tuyên truyền, vận động và nhận ra hành vi sai trái của mình, tôi hứa sẽ tự khắc phục sửa chữa để cùng vợ con xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc”.
Để giúp cán bộ, chiến sĩ đơn vị gần gũi, gắn bó chặt chẽ với đồng bào thông qua việc trao đổi trực tiếp với họ bằng tiếng bản địa, các đồn biên phòng đã tiến hành dạy tiếng đồng bào cho cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, BĐBP thuận lợi trong việc giúp đồng bào tiếp cận, nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đại uý Nguyễn Xuân Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Loi cho biết, đơn vị đóng quân trên địa bàn hai xã: Na Loi và Đoọc Mạy (Kỳ Sơn), nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mông sinh sống. Đơn vị đã triển khai thực hiện việc học tiếng đồng bào cho tất cả cán bộ, chiến sĩ để tạo thuận lợi cho quá trình làm công tác vận động quần chúng và tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật đến với nhân dân.
“Qua một thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào ngày càng được nâng cao hơn”, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Loi cho biết thêm.
Với sự nỗ lực, năng động của những người lính quân hàm xanh cùng với các cấp ngành, qua 5 năm triển khai Đề án, bà con nhân dân đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn biên giới quốc gia, bảo quản đường biên, cột mốc; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển vùng biên, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn khu vực biên giới. Các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội giảm đáng kể, an ninh chính trị ổn định; góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nơi phên dậu miền Tây Nghệ An.
Thực hiện “Đề án tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, từ năm 2017 đến nay, Nghệ An đã tổ chức tập huấn được 271 buổi cho hơn 22 nghìn người dân; tổ chức 3.175 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 391 nghìn người dân.