Tại chương trình do Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức, các phóng viên đến từ các nước trong khu vực đã tận mắt chứng kiến sự phát triển năng động theo xu hướng xanh hoá của các tỉnh, thành phố ở Trung Quốc, các dự án, mô hình và triển vọng hợp tác giữa các nước trong lưu vực Mekong-Lan Thương trong các lĩnh vực truyền thông, giao thông, năng lượng…
Nhà máy lắp ráp ô tô điện của Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC Group). |
Đoàn đã đến thăm Công ty TNHH Tập đoàn ô tô Quảng Châu (Guangzhou Automobile Group Co., Ltd. - GAC Group), một nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc có trụ sở tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Được thành lập vào năm 1954, hiện GAC là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 5 ở Trung Quốc, với sản lượng tiêu thụ 2,144 triệu chiếc vào năm 2021. Tập đoàn sản xuất và kinh doanh các phương tiện mang thương hiệu Trumpchi, Aion, Hycan cũng như các thương hiệu liên doanh như GAC-Toyota, GAC-Honda, GAC-Mitsubishi. Tập đoàn cũng sản xuất xe điện và năm 2021 trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ tư tại thị trường Trung Quốc.
Ga Depot Côn Minh thuộc hệ thống Đường sắt cao tốc Trung Quốc. |
Năm 2016, ga Depot Côn Minh được đưa vào sử dụng. Tháng 10/2018, Công ty TNHH Tập đoàn Côn Minh - Đường sắt Trung Quốc bắt đầu mở rộng và cải tạo ga Depot Côn Minh. Đến nay, ga này đã tăng số lượng từ 6 đường bảo dưỡng, sửa chữa và 37 đường bảo quản, lưu giữ lên 10 đường bảo dưỡng, sửa chữa và 58 đường bảo quản, lưu giữ. Sau khi cải tạo, công suất vận hành, bảo dưỡng và lưu giữ tàu được cải thiện, ga Depot Côn Minh trở thành ga Depot lớn nhất ở tây nam Trung Quốc.
Đại diện Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc (CGS) giới thiệu về số hoá trong quản lý, vận hành lưới điện. |
Công ty TNHH Lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSG), một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhà nước, bảo đảm các dịch vụ cung cấp điện cho các tỉnh, thành phố ở miền nam Trung Quốc. Công ty này kết nối hệ thống lưới điện ở Hong Kong, Macao của Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, với khu vực dịch vụ trải rộng hơn 1 triệu km2 và tiếp cận tới hơn 272 triệu người. Với lưới truyền tải điện ngày càng được mở rộng trải dài 2.000 km từ tây sang đông, CSG sử dụng nhiều nguồn năng lượng điện khác nhau như thuỷ điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện khí, điện gió, năng lượng mặt trời… Công ty đang triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại, số hoá trong quản lý, vận hành lưới điện.
Hội thảo về năng lượng tại Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc (ENERGY CHINA). |
Công ty TNHH Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc - CEEC (ENERGY CHINA), là một công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500, xếp thứ 3 trong 150 Công ty Thiết kế Kỹ thuật Toàn cầu ENR và thứ 13 trong 250 Nhà thầu Toàn cầu ENR.
Là một tập đoàn cung cấp các giải pháp tổng thể và dịch vụ toàn chuỗi trong các lĩnh vực như điện và cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc và trên thế giới, phạm vi kinh doanh chính của Energy China bao gồm năng lượng và điện, bảo tồn nước và các vấn đề về nước, đường sắt và đường cao tốc, cảng và kênh điều hướng, kỹ thuật đô thị, đường sắt đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nhà ở, với chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh tích hợp... Năm quốc gia trong cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương là các thị trường quan trọng đối với hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của CEEC. Tại Việt Nam, CEEC có 12 chi nhánh.
Hội thảo tại Đại học Truyền thông Trung Quốc (CUC). |
Đại học Truyền thông Trung Quốc (CUC) là một trong những tổ chức giáo dục đại học quan trọng ở Trung Quốc, đào tạo toàn diện trong lĩnh vực truyền thông. Nơi đây cũng nổi tiếng là nơi ươm mầm những tài năng của ngành phát thanh truyền hình. CUC nằm ở phía đông của thủ đô Bắc Kinh, gần kênh đào cổ.
Một gian trưng bày của Bảo tàng Truyền thông Trung Quốc. |
Bảo tàng Truyền thông Trung Quốc nằm ở tầng hầm của thư viện CUC. Tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên đa phương tiện thuộc sở hữu của trường đại học, bảo tàng cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của ngành truyền thông ở Trung Quốc. Được chia thành các phần về truyền dẫn, phát thanh, truyền hình và phim, mỗi gian trưng bày một bộ sưu tập ấn tượng các hiện vật liên quan đến truyền thông Trung Quốc và nước ngoài, từ máy ghi âm cũ, máy hát, hộp nhạc, đến máy ảnh, máy chiếu, TV đen trắng, máy chữ, đến các thiết bị không dây.
Hội thảo tại Đại học Vân Nam (YNU). |
Đại học Vân Nam (YNU) là một trường đại học trọng điểm quốc gia ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Các cơ sở chính của trường được đặt tại thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Tính đến năm 2022, Bảng xếp hạng các trường đại học Trung Quốc tốt nhất đã xếp hạng Đại học Vân Nam là tốt nhất ở tỉnh Vân Nam và nằm trong top 100 trên toàn quốc.
Thư viện của Đại học Vân Nam (YNU). |
Đại học Vân Nam duy trì một đội ngũ giảng viên và nhân viên làm việc gồm 2.372 người, trong số đó có 1.981 chuyên gia; 222 giáo sư, 409 phó giáo sư và 987 giảng viên toàn thời gian. 683 giảng viên có học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Có nhiều sinh viên, học viên đến từ các nước Mekong-Lan Thương, trong đó có Việt Nam, đang theo học tại trường. Các giảng đường nằm xinh xắn trong khuôn viên xanh mát với nhiều cây cối. Nơi đây cũng có thư viện rất lớn để sinh viên tới học tập, nghiên cứu.