Kết luận nêu rõ, tại phiên họp ngày 1/10/2021, sau khi nghe Đảng đoàn Quốc hội báo cáo về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (gọi tắt là Đề án) và ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị thảo luận, kết luận thông qua Đề án, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau: Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và thi hành Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của nước ta cơ bản đầy đủ, ổn định, thống nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới; một số quy định còn bất cập, gây kìm hãm, cản trở sự phát triển.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tăng cường xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phải được các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị chú trọng, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần lưu ý việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn…
Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Khắc phục ngay tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.
Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tăng tính chủ động của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành luật. Phát huy tính năng động, tích cực, vai trò, ý thức trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp. Bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong quá trình tổng kết, xây dựng chính sách, soạn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua luật. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia xây dựng pháp luật.
Phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật. Có cơ chế thích hợp bảo đảm và tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật ■