Chiều 9/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022.
Năm 2021 ngành hàng cá tra đối mặt nhiều khó khăn thách thức
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá cá tra nguyên liệu giảm, thấp, kéo dài từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất. Đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nặng nề.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do thời gian giãn cách xã hội kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, vận chuyển con giống, thức ăn, cá nguyên liệu. Nhiều cơ sở nuôi thiếu người thu hoạch, một số nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến cá tra phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất, chi phí sản xuất tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, hoạt động vận chuyển quốc tế bị gián đoạn, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời triển khai nhiều hành động thiết thực như: thành lập tổ công tác đặc biệt 970 để trực tiếp xử lý các vướng mắc nảy sinh trong sản xuất chưa có tiền lệ do phải áp dụng giãn cách xã hội, đồng thời, tổ chức các Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ thủy sản và giải pháp phát triển ngành hàng cá tra.
Với những nỗ lực triển khai, sản lượng nuôi trồng cá tra năm 2021 ước đạt khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt trên 1,5 tỷ USD.
Bước sang năm 2021, Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành hàng cá tra phấn đấu sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD. Đồng thời, trong năm 2022, ngành thủy sản sẽ tập trung nâng cao chất lượng giống cá tra. Trong đó, tiếp tục triển khai các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng để nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành.
Với các địa phương Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng,…tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục triển khai Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp.
Nâng cao chất lượng chuỗi sản phẩm cá tra
Phát biểu tại Hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, diện tích sản xuất và sản lượng cá tra năm 2021 trên địa bàn tỉnh giảm so với năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá thành giảm nên người nuôi thua lỗ, mới gần đây, giá cá tra đã có dấu hiệu tăng lên.
Để phục vụ cho mục tiêu sản xuất tháng cuối năm và chuẩn bị cho năm 2022, trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh phát triển cá tra theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển thị trường cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn, nắm bắt nhu cầu của các thị trường, định hướng phát triển nhằm đa dạng sản phẩm và chú trọng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu, Đồng Tháp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thon hỗ trợ địa phương quan tâm đến giám sát chỉ tiêu môi trường trong nuôi cá tra thương phẩm. Bên cạnh đó, hiện Đồng Tháp sản xuất cá tra giống nhưng hạ tầng chưa bảo đảm để phục vụ cho an toàn thực phẩm và cho xuất khẩu, do đó, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đến hạ tầng sản xuất giống cá tra trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành hàng cá tra có rất nhiều lợi thế. Đó là sản xuất theo chuỗi từ giống, thức ăn đến nuôi, thu hoạch, sơ chế, xúc tiến thị trường…Đặc biệt, là ngành hàng có rất nhiều giá trị ở các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Vấn đề hiện nay là cần làm sao nâng cao được chất lượng của các chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng các yếu tố đầu vào và cần tính đến việc đồng bộ trong vấn đề này, kể cả việc xúc tiến thị trường.
Năm 2022, dự báo thị trường cá tra tương đối lạc quan, tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 nên rất khó lường. Do vậy, để khắc phục khó khăn, sớm phục hồi ngành hàng cá tra trong năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản là cơ quan đầu mối về mặt chuyên môn, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc bộ cùng trao đổi các giải pháp để cùng thực hiện. Trong đó, Tổng cục Thủy sản cùng họp với các tỉnh xem xét vấn đề dự báo thị trường, không để tình trạng được mùa rớt giá; đồng thời vấn đề cơ cấu giống cần gắn liền với nuôi thương phẩm cho phù hợp.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra điều kiện tại các cơ sở giống, cá tra thương phẩm, tập huấn phổ biến thông tin, kiểm tra xử lý vi phạm,…
Thứ trưởng đề nghị tiếp tục mở cửa thị trường đối với ngành hàng cá tra, đa dạng hóa sản phẩm, tiện lợi cho tiêu dùng. Đồng thời, ngoài các thị trường xuất khẩu cũng cần chú ý tới thị trường trong nước; đẩy mạnh bán hàng theo hình thức thương mại điện tử,…