Tuy nhiên, với quy mô dân số hơn 100 triệu người, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng đòi hỏi hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của xã hội và nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ y tế, việc lấy người bệnh làm trung tâm là mục tiêu xuyên suốt của Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024). Ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Cơ sở hạ tầng là nền tảng quan trọng cho việc cung cấp dịch vụ y tế. Với thực tế hiện nay, việc nâng cấp và mở rộng bệnh viện, cơ sở y tế là điều cần thiết để bảo đảm cơ sở vật chất hiện đại và tiện nghi cho người bệnh.
Những năm qua, nhiều bệnh viện được xây mới hoặc cải tạo với thiết bị y tế tiên tiến để phục vụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả hơn. Đáng chú ý, không chỉ bệnh viện công lập, những năm gần đây đã ghi nhận sự tham gia của bệnh viện ngoài công lập và cả y tế tuyến cơ sở đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng, từ phòng khám ngoại trú, khu vực điều trị nội trú đến các khu vực chuyên khoa cao cấp.
Những thiết bị y tế hiện đại như máy CT, MRI, hệ thống nội soi và phòng mổ tiêu chuẩn quốc tế được đưa vào sử dụng, giúp nâng cao khả năng chẩn đoán và điều trị các bệnh phức tạp.
Đi liền với đầu tư cho cơ sở hạ tầng, ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Con người được xác định là yếu tố quyết định trong mọi hoạt động trong lĩnh vực y tế, do vậy việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Các chương trình đào tạo liên tục, đào tạo chuyên sâu và khuyến khích học tập, tu nghiệp ở nước ngoài được triển khai. Các trường đại học y khoa hàng đầu, như: Y Hà Nội, Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh... đã hợp tác với các cơ sở y tế quốc tế để đưa chương trình đào tạo tiên tiến vào giảng dạy. Điều này không chỉ giúp đội ngũ y sĩ, bác sĩ nắm vững kỹ thuật y học hiện đại mà còn nâng cao kỹ năng giao tiếp, chăm sóc bệnh nhân.
Những năm gần đây, ngành y tế ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin như việc xây dựng và triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử giúp quản lý thông tin bệnh nhân một cách hiệu quả, giảm sai sót và tiết kiệm thời gian.
Đi liền với đó là các hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS), lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), quản lý thông tin phòng xét nghiệm (LIS) được áp dụng rộng rãi, tối ưu hóa quy trình làm việc. Những hệ thống này cho phép bác sĩ và nhân viên y tế truy cập nhanh chóng, chính xác vào thông tin người bệnh, từ đó đưa ra quyết định điều trị hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc sử dụng các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế, đặt lịch khám và nhận kết quả xét nghiệm trực tuyến.
Để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và hỗ trợ bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa, dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa (telemedicine) được triển khai rộng rãi giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên.
Việc áp dụng hệ thống đặt lịch hẹn trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, và cung cấp dịch vụ tư vấn y tế qua điện thoại giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và công sức.
Để bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế, việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy trình chất lượng không chỉ của Việt Nam mà còn của nước ngoài là rất cần thiết.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới, tiêu chuẩn chất lượng trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định với bốn loại hình, bao gồm: tiêu chuẩn chất lượng cơ bản, tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng chuyên ngành và tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật với sự đánh giá của cơ quan quản lý, tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập trong nước và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng và an toàn trong khám bệnh, chữa bệnh.
Các bệnh viện và cơ sở y tế sẽ phải triển khai hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, từ quy trình tiếp nhận bệnh nhân, chẩn đoán, điều trị đến theo dõi sau điều trị, bảo đảm mọi khâu đều được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng định kỳ và đột xuất để kịp thời phát hiện và khắc phục các vấn đề. Việc duy trì tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng cao không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn tạo niềm tin cho người bệnh.
Những năm qua, thành quả của phát triển nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và tăng cường hợp tác quốc tế đã đem đến những kết quả to lớn, trong đó nghiên cứu y học là nền tảng cho sự phát triển của ngành y tế.
Do vậy các bệnh viện cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng và lâm sàng. Việc tăng cường hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng.
Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học và kỹ thuật y sinh học đang mở ra nhiều cơ hội đột phá trong y tế. Việc ứng dụng những công nghệ này giúp cải thiện chất lượng chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh tật, đồng thời giảm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế.
Truyền thông và giáo dục sức khỏe cộng đồng là một phần không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng y tế. Do vậy, các cơ sở y tế cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bệnh tật, nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe để thúc đẩy hành vi phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe chủ động.
Ngoài những chương trình giáo dục sức khỏe, các đơn vị chuyên môn cần tổ chức hội thảo hoặc sự kiện cộng đồng, giúp cung cấp kiến thức về phòng ngừa và quản lý bệnh tật cho người dân.
Những hoạt động này cần được thiết kế phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là những người có nguy cơ cao hoặc nhóm dân cư thiệt thòi, không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh tật mà còn khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động tầm soát, khám sức khỏe định kỳ.
Việc tăng cường giáo dục sức khỏe cũng giúp giảm tải cho hệ thống y tế, bởi khi người dân có ý thức chăm sóc sức khỏe tốt, nguy cơ mắc bệnh và nhu cầu khám, chữa bệnh sẽ giảm.