Nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn

Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Đồng Tháp về nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn, qua thời gian đi vào cuộc sống đã đạt nhiều kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Các đồng chí Thường trực Đảng ủy xã Tân Thuận Tây trao đổi với các đảng viên Chi bộ ấp Tân Hậu và hội viên Tâm Quê Hội quán về chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị.
Các đồng chí Thường trực Đảng ủy xã Tân Thuận Tây trao đổi với các đảng viên Chi bộ ấp Tân Hậu và hội viên Tâm Quê Hội quán về chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị.

Điểm nhấn đáng chú ý là hiệu quả đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; nội dung sinh hoạt chi bộ, nhất là các chi bộ ấp, khóm được chuyển hóa thành thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo hơn nữa của các cấp ủy.

Chọn trọng tâm là chất lượng hoạt động chi bộ ấp, khóm, các cấp ủy ở Đồng Tháp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, phương thức lãnh đạo của đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Từ nghị quyết đến thực tiễn cuộc sống

Xã Tân Thuận Tây được xác định là địa bàn phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố Cao Lãnh. Mục tiêu chính là xây dựng vùng nguyên liệu tập trung theo hướng chuyên canh, quy trình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, chuyển đổi số từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ.

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Hậu, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán Đặng Phụng Đức chia sẻ quá trình vận động người dân thay đổi thói quen làm nông nghiệp thuần túy. Những buổi sinh hoạt chi bộ gắn với tuyên truyền về chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh được bàn thảo sôi nổi.

22 đảng viên trong chi bộ, cũng là hội viên hội quán là những người gương mẫu, đi đầu, sau đó phổ biến, cập nhật kiến thức cho người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp. Mô hình Làng thông minh thực hiện thí điểm tại ấp Tân Hậu từ năm 2020 được chuyển giao cho hội quán tiếp cận và vận hành.

Đây là mô hình Làng thông minh đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp, được Bộ Khoa học và Công nghệ đồng ý thông qua về kinh phí thực hiện đề tài cấp Nhà nước. Mô hình thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn của địa phương, góp phần quan trọng xây dựng vùng nông thôn thành phố theo hướng “nông nghiệp sinh thái-nông thôn hiện đại-nông dân thông minh”.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thuận Tây, Phan Thị Thu Hai, củng cố và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Đảng ủy xã đã ban hành và triển khai kế hoạch với mục tiêu cụ thể, tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc.

Nội dung sinh hoạt chi bộ theo hướng sát cơ sở, gần nhân dân, kịp thời phát hiện, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong nhân dân. Đảng viên là nhân tố đoàn kết, gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Từ nghị quyết của chi bộ đến thực tế cuộc sống không có khoảng cách, mà đó là việc “sát sườn” với đời sống nhân dân, như nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động nguồn lực phát triển du lịch; là việc phối hợp hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tương tác với chính quyền; là huy động lực lượng hướng dẫn hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ khuyến nông cộng đồng, người nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử...

Một trong những kinh nghiệm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, theo Thành ủy Cao Lãnh, đó là việc đảng viên tham gia các hội quán, hợp tác xã làm nòng cốt truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy địa phương tới quần chúng nhân dân.

Họ là những người thực hiện tốt nhất công tác tuyên truyền, vận động tìm ra những nhân tố mới từ hội quán, hợp tác xã, giới thiệu nguồn kết nạp Đảng. Sự tương tác này giúp hội quán, hợp tác xã hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, trở thành cầu nối gắn kết Đảng và quần chúng ở khóm, ấp.

Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành khung tiêu chí cụ thể đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ theo các mức độ (tốt, khá, trung bình, kém) làm cơ sở để các chi bộ phấn đấu, cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên kiểm tra, giám sát, đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ, đảng viên hằng năm.

Nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo động lực từ cơ sở

Tăng cường hướng về cơ sở, Tỉnh ủy Đồng Tháp tiếp tục thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân/chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban nhân dân ấp, khóm; phó bí thư chi bộ là trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm, ở những nơi có đủ điều kiện.

Hơn 50% trong tổng số 143 đơn vị cấp xã đã thực hiện chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân, hơn 20% số đơn vị thực hiện chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân. Đảng bộ Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khóm (986 đồng chí); phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận ấp, khóm (986 đồng chí).

Nhiều cán bộ trẻ ở xã, phường, thị trấn được tăng cường về làm bí thư chi bộ ấp, khóm, vừa trẻ hóa đội ngũ, vừa thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ ở cơ sở. Cùng với công tác luân chuyển cán bộ, chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở từng bước được nâng lên qua các nhiệm kỳ, bảo đảm về tiêu chuẩn, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ thực tiễn quá trình rèn luyện, phấn đấu của bản thân và chấp hành sự phân công của tổ chức, đồng chí Hồ Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười cho biết, 2 năm trước, anh được luân chuyển từ huyện về cơ sở trong điều kiện xã Đốc Binh Kiều đang trong tâm điểm của dịch Covid-19.

Đồng chí Tâm nhanh chóng làm quen với địa bàn, phối hợp với đội ngũ cán bộ tại chỗ hợp sức đối phó với dịch bệnh, đồng thời triển khai các mục tiêu kép, tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Với chuyên môn thạc sĩ chuyên ngành xây dựng, kinh nghiệm 20 năm công tác, anh nhanh chóng nắm bắt thực tế địa bàn, đề xuất nhiều ý tưởng xây dựng kết cấu hạ tầng cho địa phương, làm nền tảng phát triển kinh tế, xã hội và được chấp thuận, triển khai.

Trong năm 2023, Đảng bộ và chính quyền xã tiếp tục vận động nhân dân duy trì một số tiêu chí nông thôn mới nâng cao như quy hoạch, giao thông, thủy lợi, phòng chống thiên tai…

Đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đến thời điểm hiện tại, theo Bí thư Huyện ủy Tháp Mười, Trần Thị Quý nhận định là có trình độ tương đối đồng đều. Qua sắp xếp, rèn luyện, bồi dưỡng toàn diện cùng nỗ lực tự thân của mỗi đồng chí, có thể nói huyện Tháp Mười cơ bản chuẩn bị tốt nguồn lực cho lâu dài.

Hiện nay, 10/13 xã, thị trấn đã thực hiện các mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân và phó bí thư đồng thời chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 61/62 khóm, ấp trên địa bàn được bố trí chức danh bí thư chi bộ đồng thời trưởng ấp, khóm; phó bí thư chi bộ đồng thời trưởng ban mặt trận.

Qua thực hiện mô hình “nhất thể hóa” đã tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội; giảm một số khâu “trung gian” góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.

Kinh nghiệm được chỉ ra tại Tháp Mười là người được lựa chọn phải thật sự có năng lực, dám nghĩ, dám làm và có trách nhiệm cao.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thận trọng xem xét, bố trí những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực công tác, chuyên môn nghiệp vụ, uy tín ở các cấp ủy cơ sở để thực hiện mô hình “nhất thể hóa”, song song đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ luôn được quan tâm. Năm 2022, huyện Tháp Mười đã đào tạo, bồi dưỡng 327 đồng chí cấp ủy viên cơ sở (trong đó có đội ngũ bí thư chi bộ).

Tiếp tục những giải pháp căn cơ

Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 205-KL/TU nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động đảng bộ xã, phường, thị trấn cho thấy những vấn đề đặt ra đối với cấp cơ sở vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.

Đồng thời với thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 21), Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy khắc phục tình trạng tư duy lối mòn, chưa chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản; tăng tỷ lệ bí thư chi bộ đồng thời kiêm trưởng ấp, khóm là cán bộ trẻ…

Tại Nghị quyết số 21, Trung ương yêu cầu, triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt” (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt).

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trần Văn Cường, các cấp ủy, tổ chức đảng xác định nội dung cụ thể, xây dựng tiêu chí “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị. Cấp ủy cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, định kỳ tổ chức gặp gỡ, tuyên dương các chi bộ, đảng bộ tiêu biểu.

Trường hợp chi bộ, đảng bộ đã được công nhận “bốn tốt” nhưng sau đó phát hiện không bảo đảm tiêu chí thì hủy bỏ kết quả đã công nhận. Nghĩa là, Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng phải luôn duy trì sự phấn đấu thường xuyên, liên tục.

Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Tháp Mười, Trần Văn Lập cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Huyện ủy quy định tiêu chí cụ thể xét, đánh giá, công nhận Chi bộ cơ sở bốn tốt, Đảng bộ cơ sở bốn tốt.

Theo đó, chi bộ phải có 100% đảng viên xếp loại “Hoàn thành nhiệm vụ”, trong đó ít nhất 80% xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; sinh hoạt chuyên đề 4 kỳ/năm; không có đảng viên bị xử lý kỷ luật trong năm…

Đảng bộ cơ sở có chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp được xếp loại chất lượng từ “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Đảng bộ xã, thị trấn có ít nhất 90% chi bộ trực thuộc không có đảng viên bị xử lý kỷ luật trong năm; 10% chi bộ còn lại nếu có đảng viên bị kỷ luật thì không phải là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt…

Một số đảng bộ cấp xã đã chủ động với cách làm sáng tạo như mô hình Chi bộ ấp kiểu mẫu tại Đảng bộ xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh).

Phó Bí thư Đảng ủy xã Phan Thị Thu Hai cho biết, Đảng ủy chọn chi bộ Ấp Tân Hùng làm thí điểm.

Ngoài các chỉ tiêu và kế hoạch thực hiện được cấp trên giao trong năm, “Chi bộ kiểu mẫu” phải thực hiện tốt 10 tiêu chí, như: sinh hoạt chuyên đề mỗi quý 1 lần; có mô hình mới trong năm và có khả năng nhân rộng; không có đảng viên thuộc diện hộ nghèo; không có chi ủy viên bị xử lý kỷ luật, không có đảng viên vi phạm; 100% đảng viên kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 1…

Đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở khu vực xã, phường, thị trấn, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Thắng, các Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy Đồng Tháp được xây dựng phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương, tập trung giải quyết căn bản những vấn đề trọng tâm, trọng điểm đang đặt ra ở cơ sở.

Nhiều nội dung phù hợp với xu hướng chung của cả nước và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương.

Tuy nhiên, để Đồng Tháp đạt được mục tiêu nhiệm kỳ đã đề ra, đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng chính quyền điều hành năng động, hiệu quả, phục vụ nhân dân, cần hơn nữa sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân; trong đó, giải quyết tốt vấn đề từ cơ sở, tạo nền tảng, sự tin cậy để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển bền vững vùng đất Sen hồng.