Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, với diện tích khoảng 5,5 triệu km², trải dài qua lãnh thổ chín quốc gia, trong đó Brazil sở hữu phần rừng Amazon lớn nhất với hơn 60% diện tích. Tuy nhiên, Chính phủ Brazil những năm gần đây đối mặt rất nhiều khó khăn trong quản lý tài nguyên cũng như duy trì sự hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
Theo báo cáo của Dự án giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP), trong năm 2020, Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh (tăng 17% so năm 2019), trong đó riêng Brazil mất tới 1,5 triệu ha. Con số này chưa có dấu hiệu giảm. Trong 5 tháng đầu năm 2021, Amazon mất khoảng 233.700 ha. Chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua, dựa trên số liệu từ Cơ quan Không gian quốc gia Brazil (INPE), diện tích rừng Amazon đã mất tới 118 nghìn ha, tăng 41% so cùng kỳ năm 2020.
Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và các vụ cháy rừng tại khu vực Amazon cũng là vấn đề phức tạp của quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Brazil những năm gần đây đẩy mạnh phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, đồng thời cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của rừng Amazon. Cháy rừng cũng là nguyên nhân chính khiến Bolivia và Peru lần lượt mất đi 240 nghìn và 190 nghìn ha rừng nguyên sinh trong năm 2020, đều là mức kỷ lục tại các quốc gia này. Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) cảnh báo về mối liên hệ giữa tình trạng cháy rừng và nạn phá rừng tại Amazon với vấn đề biến đổi khí hậu, nhấn mạnh nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu đến từ việc đốt rừng và các thảm thực vật bản địa khác.
Xác định vấn đề bảo tồn khu vực rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kiềm chế biến đổi khí hậu, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ tổ chức, Chính phủ Brazil bày tỏ mong muốn nhận được từ Washington khoản ngân sách hỗ trợ trị giá 1 tỷ USD để chi trả cho các nỗ lực bảo tồn rừng Amazon. Bên cạnh đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng cam kết tăng cường tài trợ thực thi luật môi trường và hướng tới chấm dứt nạn phá rừng trái phép vào năm 2030.
Rừng Amazon không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới mà còn là khu dự trữ sinh quyển đặc biệt quan trọng, việc gìn giữ hệ sinh thái nơi đây cũng chính là bảo vệ sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đây là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi nỗ lực cao của Chính phủ Brazil cũng như các quốc gia trong khu vực.