Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi do Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) chủ trì diễn ra mới đây đã đưa ra hàng loạt cam kết của Mỹ đối với Lục địa Đen. Hội nghị chú trọng các ưu tiên đối với châu Phi, cũng như mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế thực chất Mỹ-châu Phi, các cuộc bầu cử ở châu Phi trong năm 2023.
Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ việc bổ sung một quốc gia châu Phi làm ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời thúc đẩy AU tham gia G20. Sau khi thảo luận với Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Biden cam kết chi 55 tỷ USD trong ba năm tới để hỗ trợ châu Phi thúc đẩy một loạt lĩnh vực nhằm giải quyết các thách thức quan trọng của thời đại. Mỹ cũng sẽ viện trợ hơn 165 triệu USD để hỗ trợ tổ chức các cuộc bầu cử và quản trị tốt hơn ở châu Phi.
Tổng thống Joe Biden đã cam kết thực hiện một “chiến lược táo bạo” đối với châu Phi lúc tranh cử và đây là thời điểm để người đứng đầu Nhà trắng thúc đẩy thực hiện các cam kết đó. Kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với châu Phi năm 2021 đạt tổng trị giá 83,6 tỷ USD.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ-châu Phi trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng thống Joe Biden đã công bố các cam kết, thỏa thuận và quan hệ đối tác thương mại và đầu tư hai chiều trị giá hơn 15 tỷ USD nhằm tập trung cho các ưu tiên chính, bao gồm năng lượng bền vững, hệ thống y tế, kinh doanh nông nghiệp, kết nối số, cơ sở hạ tầng và tài chính.
Trong bối cảnh Đạo luật về cơ hội và tăng trưởng châu Phi (AGOA) - vốn cho phép gần 30 quốc gia châu Phi tiếp cận miễn thuế với khoảng 7.000 mặt hàng của Mỹ, dự kiến hết hạn năm 2025, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, các chương trình thương mại truyền thống như AGOA đang dần bị giới hạn, do đó cần hướng tiếp cận sáng tạo hơn để giúp các quốc gia châu Phi cải thiện mức thu nhập bình quân đầu người.
Bà Tai bày tỏ hy vọng hợp tác Mỹ-châu Phi sẽ giúp các nước ở Lục địa đen thu hút nhiều hợp đồng đầu tư dài hạn trong tương lai, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của châu lục này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi cũng công bố các sáng kiến mới nhằm tăng cường sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), cũng như các sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Phi từ đại dịch Covid-19, tăng cường an ninh lương thực và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng tái tạo của châu lục.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD cho an ninh lương thực ở châu Phi, trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Phi (AU) quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược đối phó với tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới.
Khoản viện trợ này vừa là hỗ trợ khẩn cấp, vừa là hỗ trợ trung và dài hạn nhằm củng cố hệ thống lương thực ở châu Phi. Nhà trắng cũng cho biết, Mỹ đã cung cấp gần 11 tỷ USD viện trợ lương thực nhân đạo cho các nước châu Phi trong năm 2022.
Tổng thống Biden cũng cho biết ông sẽ sớm thực hiện chuyến thăm tới khu vực cận Sahara. Chủ tịch tiểu ban châu Phi của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Chris Van Hollen (C.Hô-len) và Chủ tịch tiểu ban châu Phi của Ủy ban đối ngoại Hạ viện, bà Karen Bass (K.Bát), đã đề xuất dự luật tăng cường hỗ trợ nhằm xây dựng khu vực thương mại tự do châu Phi, trong đó Mỹ sẽ tăng hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và kỹ thuật để thúc đẩy thương mại với châu lục này.
Với một thị trường tiềm năng có tổng GDP là 2,6 nghìn tỷ USD, châu Phi vẫn là điểm đến quan trọng mà Mỹ không thể xao nhãng. Lục địa này cũng giàu trữ lượng dầu khí và cả những khoáng chất quan trọng để thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon. Mỹ đang nỗ lực làm mới và củng cố quan hệ với các nước châu Phi, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này diễn ra ngày càng quyết liệt.