Mưu sinh nơi đáy sông

Trên đường thiên lý vào nam ra bắc, ai cũng phải đi qua vùng quê Quán Hàu thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây, có nghề cào hàu từ xa xưa, và món cháo hàu đặc sản đã níu chân bao tao nhân mặc khách. Quanh chuyện con hàu xứ sở này, có nhiều điều để nói, để trăn trở, với cái nghề mưu sinh nhọc nhằn của người dân bao đời nơi... đáy sông Nhật Lệ.

Người dân Quán Hàu cào hàu trên sông Nhật Lệ.
Người dân Quán Hàu cào hàu trên sông Nhật Lệ.

Nghề truyền đời

Những người cao tuổi ở thị trấn Quán Hàu kể rằng, từ xưa người dân nơi này đã lấy nghề cào hàu ở sông Nhật Lệ làm kế mưu sinh. Con vật vỏ cứng như đá, đầy góc cạnh, được người dân lấy tên đặt cho vùng đất làng mình, như một sự ghi ơn. Cụ Võ Dung đã ngoài 80 tuổi, hơn nửa thế kỷ làm nghề cào hàu, tâm sự: “Cả trăm năm trước, người làng tui đã sống bằng nghề cào hàu. Năm tui 12 tuổi theo cha ngụp lặn trên sông tìm hàu, chừ tuổi cao, tui ở nhà hướng dẫn con cháu cào hàu theo kinh nghiệm của mình”.

Ông Võ Thắng, người cào hàu có tiếng trong vùng bảo rằng, vùng hàu nhiều là khoảng sông từ làng Lương Yến, xã Lương Ninh đến vùng Chợ Gộ trên sông Nhật Lệ. Dày đặc nhất là quanh cầu Quán Hàu. Nơi đây đáy sông có nhiều vụn đá nhỏ sắc cạnh, chất bùn và các mạch nước chảy phù hợp cho con hàu bám vào để sống, tạo thành bãi hàu rộng, có thể khai thác quanh năm. Thời buổi kinh tế thị trường, có người bỏ nghề làm hàu theo nghề khác thu nhập cao hơn, nhưng vẫn còn nhiều người sống bằng nghề cào hàu, nguồn thu nhập cả gia đình đều nhờ vào con hàu. Xa xưa, người cào hàu, với công cụ là chiếc cào tre, chiếc giỏ tre đeo bên hông vẫy vùng khắp sông. Rồi chiếc cào tre được thay bằng cào hình vầng trăng khuyết lưới sắt, mua thêm chiếc thuyền, người có điều kiện thì sắm thuyền máy, thuận tiện vận chuyển. Giờ chiếc cào cũng dần ít đi, thay vào đó là công cụ nạy hàu bằng sắt, dài chừng 30 cm, một đầu uốn cong, hơi bẹt để dễ lèn vào khe đá. Ông Thắng trầm tư, dù thiết bị phục vụ thợ lặn bây giờ đầy đủ hơn, nhưng đã vận vào cái nghề mưu sinh ở đáy sông, người dân bên dòng Nhật Lệ coi như chấp nhận sự cực nhọc, có khi cả hiểm nguy.

Mưu sinh nơi đáy sông ảnh 1

Một thợ lặn cào hàu dưới sông.

... Chín giờ, nắng loang loáng mặt sông Nhật Lệ. Khúc sông quanh cầu Quán Hàu nhộn nhịp người và thuyền. Tiếng người người chào nhau, tiếng máy, tiếng khua nước rộn rã cả khúc sông. Anh Võ Sỹ Triển, người dân ở thị trấn nói, sau gần một năm phải tạm dừng cào hàu, vì sợ ảnh hưởng ô nhiễm từ biển, hàu sinh sôi rất nhanh, giờ cào thuận lợi và thu nhập cao hơn. Chiếc thuyền máy công suất 10 CV của người thợ lặn nhiều kinh nghiệm Võ Sỹ Triển ngổn ngang đồ nghề. Anh Triển bảo, thợ lặn hàu giờ có nhiều trang thiết bị hơn, thời gian lặn lâu hơn, nhờ thế lượng hàu cào được cũng lớn hơn. “Trên sông nắng rát thế này, nhưng dưới đáy sông rất lạnh, mùa lạnh càng tê tái, nên ngoài việc mang theo bình ô-xy, mũ, kính, găng tay, giày vải... thợ lặn phải mặc nhiều quần áo bên trong bộ đồ lặn. Một lần lặn cào hàu thường kéo dài từ năm đến sáu giờ” - Anh Triển cho biết.

Ra giữa dòng sông, thuyền tắt máy. Mỗi thợ lặn mang theo hai chiếc phao, một phao đặt ắc-quy để chạy bình ô-xy, phao còn lại bỏ rổ đựng hàu, trước ngực họ còn đeo cái giỏ, tay cầm thanh sắt nạy hàu. Sau điếu thuốc hút vội, họ nhảy ùm xuống sông, hai chiếc phao bập bềnh mặt nước, họ lặn đến đâu, phao trôi đến đấy. Để không bị nổi trên mặt nước, mỗi thợ lặn phải đeo vào người khoảng 10 kg chì. Nặng là thế, mệt là thế nhưng họ hầu như không nghỉ ngày nào.

Chúng tôi đội nắng trên con thuyền neo giữa sông, sợi dây nối hai phao bị kéo căng ra giữa nước, vợ anh Triển bảo, anh sắp nổi lên. Vài ba phút sau, anh Triển ngoi lên, tay nắm chiếc giỏ hàu đổ ào vào rổ. Vợ anh Triển nói, ngụp lặn năm, sáu giờ, một thợ lặn thu khoảng 10 kg hàu thành phẩm, giá bán chừng một triệu đồng.

Khác với những người đàn ông làm thợ lặn, chị Nguyễn Thị Tính dùng thuyền chèo tay trên sông để cào hàu. Chị chèo thuyền ra cách mép sông khoảng vài chục mét rồi thả neo, vục chiếc cào có cán nhẵn bóng xuống đáy nước, ấn mạnh rồi kéo theo chiều dọc của thuyền. Nhìn dáng người chị mảnh khảnh, đổ gập theo chiếc cào dưới nắng trưa, mới thấy nghề cào hàu cực nhọc. Khi đưa cào lên khỏi mặt nước, những con hàu lẫn với đá vụn. Chị nói, việc cào thường là của cánh đàn ông, nhưng do nhà neo người, chị phải cùng đứa con trai ra sông. Sau gần hai giờ cào hàu, chị Tính và đứa con trai 14 tuổi nhặt ra từ đống lổn nhổn đá được một rổ hàu, nếu đập bỏ vỏ, thu được khoảng 1 kg thịt hàu, giá bán chừng 100 nghìn đồng. Ngày cào trúng thì có vài rổ như thế, nhưng cũng có khi chỉ được một ít hàu, coi như đủ làm thức ăn trong ngày.

Bao đời nay, dù thiên tai bão lũ, vất vả thăng trầm, người dân vùng Quán Hàu vẫn thủy chung với nghề. Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi này thứ đặc sản ngọt lành hiếm có. Bao người con xa quê, phiêu bạt góc bể chân trời vẫn da diết nhớ vị mặn mòi của dòng sông. Cha ông họ đã sống nhờ hàu.

Trăn trở cùng hàu

Bên dòng Nhật Lệ, hàu đã trở thành món ăn đặc sản, nhiều dưỡng chất, không chỉ người trong tỉnh, mà khách du lịch đến Quảng Bình đều muốn ăn một tô cháo hàu. Tiếng tăm của hàu Nhật Lệ cũng bắt đầu vang xa. Tại hội chợ ẩm thực toàn quốc tổ chức ở Thủ đô Hà Nội năm 2005, con hàu của sông Nhật Lệ đã đoạt huy chương vàng. Lễ hội ẩm thực Quảng Bình giữa lòng phương nam tổ chức năm 2010, tại TP Hồ Chí Minh, các món ăn từ hàu được thực khách trong và ngoài nước biết đến, tấm tắc khen ngon. Phải chăng, dòng Nhật Lệ khi đến Quán Hàu hòa quyện giữa hai dòng mặn - ngọt, kết tinh nên dư vị độc đáo, riêng có trong con hàu, nên mới ngọt thanh tao, khó lẫn vào đâu được.

Sau khi tách vỏ, thịt hàu được ướp các loại gia vị như hành, nước mắm, tiêu, ớt, bột ngọt, dầu ăn... đến khi cháo gạo nấu chín tớí thì cho hàu vào, chờ sôi đưa xuống ăn nóng. Cháo hàu vừa cay, vừa ngọt, vừa béo. Trước đây người ta chỉ nấu cháo, nay hàu có thêm nhiều cách thưởng thức, như xào lăn cho thêm gia vị rồi dùng bánh đa xúc ăn; canh hàu nấu rau tập tàng, ngọt mát. Nếu là tao nhân mặc khách thì thuê một con thuyền ra giữa dòng Nhật Lệ, đặt một lò than củi dưới ánh trăng soi và nướng hàu, chiêu với ngụm rượu Võ Xá sủi tăm.

Nhiều phụ nữ ở Quảng Bình cho rằng, chế biến hàu không khó, mà khó nhất là khâu tách thịt, bởi vỏ hàu bám chặt trên các thớ đá. Ở trung tâm thị trấn, có khu chợ nhỏ nằm ven quốc lộ 1A cũ, chuyên bán hàu. Người bán thường phải mất công tách thịt ra mới bán được hàu. Chị Nguyễn Thị Hân nhiều năm bán hàu ở đây, hàu được chồng chị lặn cào đưa về. Hai bàn tay chị chằng chịt vết hàu, đá cứa vào. “Mỗi ngày, chồng cào chừng năm rổ hàu, bán được gần 400 nghìn đồng, hôm ít thì chỉ được một nửa, nhưng rứa cũng có đồng vô, đồng ra, chị Hân tâm sự”. Chúng tôi hỏi: “Nay mai nếu hàu hết thì chị làm nghề gì?”. “Hết răng được anh, làng tui có quy ước, phải làm cào với mắt lưới to hoặc lặn bắt loại hàu độ 5 x 5 cm, để hàu mới sinh lớn lên ngày sau cào, lặn bắt chớ”.

Để con hàu phát triển bền vững, chính quyền địa phương đã thử nghiệm nhiều mô hình bảo tồn hàu tự nhiên. Chủ tịch UBND thị trấn Lê Bá Trưng cho biết, thị trấn đã giao cho ba hộ dân khoanh lưới bảo vệ, phát triển giống hàu tự nhiên trên diện tích 3 ha, song thất bại do lũ lớn; lại có mô hình đưa giống hàu từ nơi khác về nuôi trên sông Nhật Lệ, nhưng không thành công do không phù hợp khí hậu, độ mặn của nước. Loay hoay mãi đến nay, địa phương vẫn chưa có hướng bảo vệ, phát triển giống hàu tự nhiên.

Ông Võ Thắng tâm sự: “Bầy tui sống nhờ con hàu, nếu giữ được cho nó sinh sôi thì không sợ đói. Còn hàu là còn... bầy tui, với lại, còn người ăn hàu thì còn có bầy tui làm nghề cào hàu dưới đáy sông.