Mừng, không chủ quan - Lo, không sợ hãi

NDO -

Mấy ngày qua, Việt Nam liên tiếp nhận các tin cả mừng và cả lo về triển vọng kinh tế năm 2021.

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Ngày 21-5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor's (S&P Global Ratings) thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Trước đó, trong tháng 3, Moody’s đã giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3, nâng triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”, tăng hẳn hai bậc.  Điều này là “chưa có tiền lệ” trong xếp hạng tín nhiệm của Moody’s trên toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đầu tháng 4, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã thông báo quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.

Như vậy, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard&Poor's và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên "Tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát; trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trong năm 2020; riêng năm 2021, chỉ tính đến ngày 21-5, đã có 16 quốc gia bị ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu này hạ bậc...

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam cũng được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc hình chữ V trong năm nay và tiếp theo. Mới đây nhất, tại phiên khai mạc Hội nghị mùa Xuân, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới và đạt mức 7,2% vào năm 2022…

Sự đồng thuận quốc tế cao trong đánh giá cả về tín nhiệm quốc gia và về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với sự điều hành chính sách linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, dư địa tài khóa ngày càng vững chắc nhờ liên tục cải cách và triển khai những  chính sách kinh tế - xã hội góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch Covid-19 và tạo thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng trên phạm vi cả nước ta thời gian qua; nhờ vị thế đối ngoại vững chắc và Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong Đông-Nam Á về thu hút FDI, có mức xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa khá dồi dào...

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương công bố ngày 26-3, mặc dù dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,6% GDP năm 2021, song kết quả phục hồi giữa các ngành còn chưa đồng đều và quá trình phục hồi có thể gặp phải những cú sốc mới hoặc khó khăn kéo dài ở một số lĩnh vực, địa phương.

Đặc biệt, thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm khoảng 200% GDP và thuộc nhóm nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới; có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 224 nước, vùng lãnh thổ) nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.

Đồng thời, dịch Covid-19 đang bùng phát làn sóng thứ tư ở Việt Nam do các biến chủng mới Covid-19 gây ra, với những diễn biến phức tạp đáng quan ngại cả về số lượng và cơ cấu người nhiễm bệnh trong cộng đồng (chỉ riêng ngày 25-5, đã phát hiện hơn 300 ca nhiễm Covid-19 tại Bắc Giang, chủ yếu trong các dây chuyền sản xuất và nhà lưu trú trong khu công nghiệp tập trung đông công nhân).

Tất cả đã, đang và sẽ tiếp tục gây nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành cả sản xuất và dịch vụ, nhất là trong các khu công nghiệp, các dịch vụ thương mại, du lịch, vận tải, làm tăng áp lực thất nghiệp, thu nhập, thị trường tiêu thụ và an sinh xã hội.

Trong bối cảnh năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân; đặc biệt, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền địa phương các cấp và các ngành.

Trước mắt, phải tránh hai khuynh hướng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, hoặc hốt hoảng, hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch bệnh; mở rộng tiêm vắc xin phòng Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng...

Đồng thời, mọi hoạt động thông thương hàng hóa, sản xuất phải được duy trì ở mức độ phù hợp, bảo đảm an toàn dịch bệnh; hơn nữa, cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các gói hỗ trợ về gia hạn và miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021; tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa, tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực phù hợp với từng vùng, từng loại cây thổ nhưỡng và thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và không chạy theo phong trào, tránh tái diễn việc “giải cứu” nông sản; mở rộng thị trường xuất khẩu và kích cầu tiêu thụ trong nước; ngăn chặn hiệu quả hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác hàng hóa đột lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu nhằm tận dụng các lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại.

Hơn nữa, cần chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào trong nước để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, thân thiện môi trường đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước…

Áp lực yêu cầu “nhiệm vụ kép” cao đòi hỏi năng lực, trách nhiệm và bản lĩnh sáng tạo của lãnh đạo, sự nghiêm khắc của luật pháp càng cao để hoàn thành nhiệm vụ.