Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Mục tiêu kép-Sức mạnh lan tỏa

Đại hội XIII của Đảng đề ra sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược cho lộ trình hiện thực mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, đất nước ghi dấu ấn đáng tự hào cùng niềm tin vững chắc trong công cuộc phát triển và hội nhập.

Quang cảnh phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ảnh: DUY LINH
Quang cảnh phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Ảnh: DUY LINH

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh trên phạm vi cả nước, nhất là sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Với chủ trương đúng đắn, quyết liệt, sáng tạo của Đảng, Nhà nước; các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã dồn sức, nỗ lực ứng phó, kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các địa phương cũng duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực.

Bên thềm xuân Nhâm Dần, tại dải đất địa đầu Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh đã khánh thành những công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm. Đó là cây cầu Tình Yêu; đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả và thông tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái. Cầu Tình Yêu và đường dẫn có tổng chiều dài toàn tuyến 4.265 m, với sáu làn xe cơ giới, tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng. Đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả có tổng chiều dài gần 19 km, thiết kế sáu làn xe, tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Đây là công trình giao thông kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, du lịch của hai trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh Quảng Ninh là thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả; được đánh giá là tuyến đường du lịch ven biển hiện đại, độc đáo ở Việt Nam bởi có sự kết hợp của núi và biển với những cảnh quan đặc sắc, phong phú. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bảy quy hoạch có tính chất chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, với mô hình “Một tâm hai tuyến đa chiều”, tạo kết nối vùng phù hợp chủ trương của Đảng về hợp tác phát triển “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt Nam-Trung Quốc trong bối cảnh mới. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, những năm qua, tỉnh dồn sức thực hiện chủ trương của Đảng, thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là về hạ tầng giao thông, góp phần tái cơ cấu, phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững. Việc triển khai các dự án giao thông chiến lược, giúp kết nối giao thông tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ với Trung Quốc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tỉnh Nghệ An năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do Covid-19 và thiên tai nhưng đã từng bước thực hiện tốt mục tiêu “kép”. Các chính sách dân tộc cơ bản được triển khai bảo đảm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An. Nhiều địa phương của tỉnh đầu tư phát triển, mở rộng quy mô cây trồng chủ lực. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận tiêu chuẩn OCOP “3 sao”, “4 sao”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho biết, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh. Tỉnh có thêm 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm. Văn hóa truyền thống được lưu giữ, bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã mang lại một diện mạo mới cho các bản làng vùng cao.

Việc tạo đà phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện “bình thường mới”, là nhiệm vụ hàng đầu được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk tập trung thực hiện. Tại huyện Krông Bông, huyện nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp vượt khó và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, sản xuất nông sản. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 6.037 tỷ đồng; thu ngân sách đạt hơn 62 tỷ đồng (tăng 24,23% so với dự toán tỉnh giao). Toàn huyện đạt 159 trong số 247 tiêu chí nông thôn mới, tăng sáu tiêu chí so với năm 2020, trung bình mỗi xã đạt 12,23 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% so với năm 2020. Đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, trong điều kiện khó khăn, tỉnh vẫn nỗ lực duy trì các nguồn lực chăm lo đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, chính sách an sinh xã hội của tỉnh ngày càng được bảo đảm.

Tại quê hương đồng khởi Bến Tre, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế để khôi phục phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian sớm nhất. Là nơi có ưu thế về phát triển nông nghiệp, tỉnh chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ người dân mở rộng và phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản, thâm canh ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển chuỗi giá trị con tôm gắn với Đề án phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao. Khuyến khích vận động, thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung nhằm bảo quản tốt nông sản và nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp, góp phần tạo không gian, lan tỏa lớn cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực.

Nghị quyết số 59-NQ/TW (ngày 5/8/2020) của Bộ Chính trị xác định: Xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Cần Thơ đã kết hợp và phát huy hiệu quả giữa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và nội lực của thành phố, giữa ngân sách nhà nước và nguồn lực ngoài ngân sách tập trung đầu tư xây dựng và phát triển thành phố thành trung tâm động lực phát triển, là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ ghi dấu ấn trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; hoàn thành và triển khai Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp, phù hợp quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; phát triển thành phố theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh và trên cả ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Năm 2021, Cần Thơ có bước phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tựu quan trọng, thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khác trong vùng.

Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Cà Mau đạt được trong năm qua, điển hình là công tác phòng, chống dịch Covid-19, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân... Qua hai năm thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình xen canh lúa-tôm càng xanh toàn đực theo tiêu chuẩn VietGAP” đã mang lại thành công lớn. Năng suất lúa thơm ở tỉnh tăng cao, từ 3,1 tấn/ha ở năm đầu, sang năm thứ hai đạt năm tấn/ha, có hộ dân áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã đạt trên sáu tấn/ha. Riêng đối với con tôm càng xanh, năng suất năm đầu đạt trung bình 272 kg/ha, nay đạt từ 350 kg/ha. Nhiều hộ nuôi đạt 500 đến 600 kg/ha. Cả lúa và tôm trong mô hình đạt chứng nhận VietGAP. Nông dân tham gia dự án này đều đánh giá cao hiệu quả kinh tế mà dự án mang lại cho người dân. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau thẳng thắn đánh giá, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa cao, chưa bền vững. Cà Mau cần được tập trung hơn nữa nguồn lực xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông để tận dụng và khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương, nhất là kinh tế biển.

Năm 2021, cả nước đã nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại... Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương sáng 5/1/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: Chúng ta lâu nay đã đổi mới, sáng tạo thì tới đây càng phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa; Nhà nước ta nói chung, Chính phủ, chính quyền các địa phương nói riêng lâu nay đã liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì tới đây càng phải liêm chính, kỷ cương, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa ■