Một vùng quê hiếu học

Có thể coi Can Lộc - Thiên Lộc là điểm tụ hội văn hóa đặc sắc ở vùng Hồng Lam, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, có nhiều di sản văn hóa lâu đời, có chùa Hương Tích từ đời Trần, được mệnh danh "đệ nhất danh lam", rồi đền Phù Lưu cổ kính, rồi điệu hát ví dặm, có người con gái phường vải đẹp nết, đẹp người... Những đặc sắc văn hóa ấy đã tạo nên cốt cách riêng của Hà Tĩnh. Và vì thế, mỗi ngôi làng, mỗi cánh đồng, mỗi dòng suối, con sông, ngọn núi ở đây đều như đã khắc vào một câu chuyện thần kỳ, đã làm cho cảnh vật như có hồn cốt riêng. Lịch triều hiến chương loại chí đánh giá đây là "một trong những huyện nổi trội hẳn về văn hóa của phủ Ðức Quang, nhân dân hiền hòa, hiếu học", là cái nôi của "Hồng Sơn văn phái, có nhiều người đỗ đại khoa"... Chẳng thế mà người xưa có câu: "bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc" (Cấm Chỉ một con phố ở Hà Nội, xưa kia là nơi nổi tiếng bán các loại bút lông tốt nhất dùng để viết chữ Nho, còn sĩ tử Thiên Lộc là những người học hành chăm chỉ, thông minh và đỗ đạt nhiều).

Trong lịch sử phát triển, Can Lộc - Thiên Lộc đã từng có 39 tiến sĩ được ghi danh vào văn bia ở Quốc Tử Giám (Hà Nội). Hiếm thấy nơi nào có những dòng họ từ đời này sang đời khác nổi tiếng về học hành, đỗ đạt, làm rạng rỡ tên tuổi xóm làng. Dòng họ Nguyễn ở Trường Lưu (xã Trường Lộc), với ba thế hệ ông, cha, con đều là những bậc tài hoa, thơ văn nổi tiếng; gia đình Thám hoa Nguyễn Huy Oánh; hay làng Kiệt Thanh (xã Thanh Lộc) ba kỳ thi liên tiếp đều có người đỗ khoa bảng tiến sĩ... Bí thư Huyện ủy Can Lộc Bùi Ðức Hạnh cho biết, hầu như thời nào, vùng đất này cũng đều sản sinh ra những bậc hiền tài. Trong đó phải kể đến ba nhà giáo nổi tiếng trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Trước hết là Nguyễn Huy Oánh, người sáng lập Phúc Giang thư viện và Trường Lưu học hiệu ở quê hương. Ðây là công trình văn hóa đồ sộ, hiếm có ở một làng quê Việt Nam, không chỉ tàng trữ hàng nghìn cuốn sách quý, là nơi tổ chức in ấn, phát hành kinh sách, mà còn là nơi dạy học, thu hút hàng nghìn sĩ tử bốn phương đến đây dùi mài kinh sử. Ông đã đào tạo được 26 tiến sĩ, 5 cử nhân cho triều Lê - Trịnh. Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện còn được xem là trường đại học thứ hai ở Việt Nam, sau Quốc Tử Giám. Làng Trường Lưu và Phúc Giang thư viện là nơi Nguyễn Du từ Tiên Ðiền (Nghi Xuân) nhiều lần tìm đến đọc sách, đắm mình trong lời ca tiếng hát phường vải của các o Uy, ả Sả đẹp nết, đẹp người, hát hay ví giỏi nổi tiếng đất Hà Tĩnh. Nét độc nhất vô nhị của Nguyễn Huy Oánh là ông sáng tác thơ chữ Hán theo thể lục bát của thơ chữ Nôm nước ta rất thành công. Ông là người mở đầu cho Văn phái Hồng Lam trong văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Cùng với đó là hai tác phẩm nổi tiếng, Hoa Tiên truyện của Nguyễn Huy Tự (con trai Nguyễn Huy Oánh) và Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ (cháu nội Nguyễn Huy Oánh), hai tác phẩm được ví như những hòn đá tảng đầu tiên xây nên Văn phái Hồng Lam...

Hai nhà giáo nổi tiếng khác là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở làng Mật Thiết và Võ Liêm Sơn ở làng Phù Minh. Nguyễn Thiếp được Vua Quang Trung ban hiệu La Sơn tiên sinh và giao cho ông chuyên coi việc lập trường, dạy học; ủy cho ông tổ chức dịch ra quốc âm, chú thích sách vở... Cùng với việc lập trường, dịch sách, theo lời tâu của "thầy" Nguyễn Thiếp, Vua Quang Trung rất chịu khó đọc và học... Võ Liêm Sơn là học trò Trường Quốc học Huế. Ông là người thầy có công dạy dỗ, hướng nghiệp cho các cán bộ cách mạng ưu tú tiền bối của Ðảng ta như Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Võ Nguyên Giáp... Ông còn là một vị thân sĩ, nhà thơ, nhà báo giàu nhiệt thành yêu nước và thương dân, là nhà văn hóa tiêu biểu của nước ta vào những năm đầu thế kỷ 20.

Từ bao đời nay, vùng đất này không chỉ "nuôi chữ", mà còn sản sinh ra nhiều vị tướng giỏi, nổi tiếng, như Cao Minh Hựu, Ðặng Tất, Ðặng Dung, Nguyễn Biên, Nguyễn Trạch, Nguyễn Chanh, Nguyễn Lương Cần, Phan Huân, Nguyễn Hàng Chi... Rồi các nhân vật có trí tuệ, tình yêu với đất nước để làm nên cơ nghiệp lớn, như Nguyễn Văn Giai, Dương Trí Trạch, Hà Tông Mục, Phan Kính, Trần Quang Hiển, Nguyễn Thiếp, Mai Thế Quý, Ngô Ðức Kế... Rồi các danh nhân văn hóa, các nghệ sĩ, nhà khoa học xuất sắc như Lưu Công Ðạo, Nguyễn Hiệt Chi, Xuân Diệu, Nguyễn Ðổng Chi, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Ðình Tứ...

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Can Lộc Võ Thúc Ðồng, tâm sự: Cho đến nay, truyền thống của Can Lộc - Thiên Lộc đã và đang được các thế hệ con cháu kế tục, phát huy qua các thời kỳ phát triển của nền giáo dục cách mạng. Can Lộc từng là huyện đi đầu về diệt giặc dốt, xóa mù chữ trong những năm 1945 - 1948. Ngay dưới mưa bom bão đạn trong suốt những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các em học sinh đầu đội mũ rơm và học bài trong hầm chữ A, giữa giao thông hào.

Can Lộc là huyện thuần nông của tỉnh nghèo Hà Tĩnh, thu nhập tính theo đầu người chỉ bằng một phần hai so với bình quân chung của cả nước. Tại những thời điểm khó khăn, con em Can Lộc đỗ đậu nhiều, nhưng không ít gia đình lại không đủ điều kiện nuôi con ăn học, bởi vậy từng địa phương đều có chính sách riêng để hỗ trợ việc ăn học cho các em. Nhiều xã cấp cho mỗi sinh viên một sào ruộng "học điền" không thu thuế; vận động dòng họ góp tiền khuyến học; những người trong xóm, trong xã đã đỗ đạt trước đó lại có trách nhiệm đùm bọc con cháu cho đến tận khi ra trường... Nên dù còn nghèo, nhưng con em Can Lộc thành đạt khá nhiều, hiện có nhiều xã có đến 200 - 300 người có bằng kỹ sư, thạc sĩ. Thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có gần 200 giáo sư, tiến sĩ (chưa kể hàng nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ khác). Phần lớn trong số họ lớn lên và học hành trong giai đoạn cuộc chiến tranh leo thang đánh phá miền bắc diễn ra ác liệt nhất. Rồi nhiều gia đình có ba, bốn anh em đều là giáo sư, tiến sĩ; nhiều dòng họ có hàng chục tiến sĩ. Ðặc biệt, gia đình Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Huỳnh ở xã Kim Lộc, cả nhà (tính cả dâu rể) gần chục người đều là tiến sĩ. Kim Lộc - quê hương của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp có đến 47 giáo sư, tiến sĩ.

Anh Võ Ðức Ðại - Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Can Lộc cho biết: Trong những năm đổi mới, Can Lộc luôn là một trong các địa phương dẫn đầu phong trào học tập của Hà Tĩnh. Năm 1992, huyện được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Ngày nay, ngành giáo dục huyện Can Lộc đã triển khai đồng bộ các hoạt động, trong đó có nhiều mặt đạt chất lượng tốt, như: quy hoạch hệ thống trường lớp, học sinh phát triển đồng đều, toàn diện, vững chắc ở các bậc học, cấp học. Giáo dục Can Lộc luôn đứng vào tốp đầu với tỷ lệ học sinh lên lớp đông, có nhiều học sinh giỏi các cấp và đỗ các trường đại học, cao đẳng: Năm học 2006 - 2007, Can Lộc có 635 em đỗ đại học, 422 em đỗ cao đẳng, năm học 2007 - 2008, tuy có bảy xã tách ra về huyện mới Lộc Hà, nhưng số học sinh đỗ đại học lại tăng lên 718 em, cao đẳng là 676 em (chiếm gần một phần ba số học sinh dự thi)...

Sở dĩ có kết quả này, bên cạnh truyền thống hiếu học còn có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy chính quyền, nhà trường và gia đình. Cùng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, Can Lộc đã dồn sức tập trung làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Ngoài các khoản đầu tư xây dựng từ ngân sách, từ nguồn vốn phi Chính phủ, phụ huynh đóng góp, Can Lộc thực hiện chủ trương cho các địa phương đổi đất để xây dựng trường học. Nhờ xã hội hóa đầu tư sâu rộng mà số tiền huy động vào xây dựng cơ sở vật chất đầu tư cho trường học ở Can Lộc lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nhân người Can Lộc thành đạt ở trong và ngoài nước cũng góp phần xây dựng sự nghiệp trồng người ở quê hương. Trong đó, phải nói đến ông Phạm Nhật Vượng ở Thụ Lộc - một doanh nhân thành đạt ở U-crai-na, đã tặng cho huyện một trường dạy nghề (trị giá 20 tỷ đồng), góp quỹ khuyến học hàng tỷ đồng... Cùng với đó, chất lượng của đội ngũ giáo viên ở Can Lộc ngày càng được nâng lên, thể hiện qua các con số: 96,7-100% số giáo viên đạt chuẩn các cấp, trong đó trên chuẩn từ 25-75%; hơn 12% số giáo viên các cấp được công nhận là giáo viên dạy giỏi, một phần tư số giáo viên đang theo học đại học và trên đại học, số đảng viên chiếm 56,9% tổng số cán bộ, công nhân, viên chức. Hiện Can Lộc đã có 49/77 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có tám trường đạt mức 2...

RỒI đây, truyền thống của "đất học" sẽ còn tiếp tục chắp thêm đôi cánh cho những người con của Can Lộc - Thiên Lộc bay cao, bay xa, vươn tới những thành công mới, cho dù họ ở bất kỳ nơi nào. Kỷ niệm 540 năm ngày thành lập, những người con của Can Lộc - Thiên Lộc đang hướng về quê hương và tin rằng, cùng với thời gian, họ sẽ tiếp nối truyền thống của cha anh, làm rạng rỡ thêm truyền thống và sẽ đóng góp thật nhiều công sức để quê hương Can Lộc - Thiên Lộc nhanh chóng vươn lên, xứng đáng với hơn năm trăm năm lịch sử của mình.