Vũ Trọng Phụng đã dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu chống lại những xấu xa, bất công ở đời. Học giả Đào Duy Anh, từ những năm năm mươi của thế kỷ trước đã nhìn thấy giá trị đích thực, đóng góp lớn lao của nhà văn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc: "Người con trai mới lớn ấy đã dũng cảm đương đầu với nghèo khổ, với bệnh tật, với cường quyền, quyết dùng ngòi bút để cống hiến, để phơi bày tất cả những xấu xa của xã hội đương thời, tố cáo những kẻ quyền uy phú quý sống phè phỡn nhớp nhúa và bênh vực những người vô cớ bị bóc tột và dày xéo".
Những trang sách của Vũ Trọng Phụng góp phần giác ngộ quần chúng đến với cách mạng. Lớp thanh niên thời ấy, có lẽ không ít người đến với cách mạng một cách tự phát, bắt đầu từ những trang sách của ông: "Chính nhờ đọc Vũ Trọng Phụng mà chúng tôi thấy cần sớm phải tham gia lật đổ bộ máy áp bức bóc lột của chế độ thực dân phản động". (Đỗ Tất Lợi).
Vũ Trọng Phụng đến với văn chương, báo chí như một định mệnh, bắt đầu từ một chân trong phòng trị sự cho tờ Ngọ báo, vừa làm vừa học viết báo. Ông ham tập viết đến nỗi quên cả công việc "cạo giấy", tâm huyết dành cho nghề báo.
Nhà văn Vũ Ngọc Phan cùng thời nhớ lại: "Vũ Trọng Phụng tay phải làm ở phòng trị sự nhưng tất cả tâm trí anh để cả vào việc viết bài. Tam Lang đăng cho anh một truyện ngắn trên Ngọ báo, truyện Chống gậy lên đường... Ra khỏi Ngọ báo anh không nản tiếp tục viết. Báo Nhật tân của Đỗ Văn đăng phóng sự Cạm bẫy người, một thiên phóng sự về cờ bạc....".
Và cho đến khi bệnh tật hiểm nghèo ông vẫn chạy đua cùng cái chết cho những đứa con tinh thần sống mãi với đời. Người bạn văn chương cùng thời Ngọc Giao nhớ lại: "Hàng ngày Phụng vẫn cố ngồi viết nốt truyện Trúng số độc đắc, một tác phẩm vĩ đại sau cùng... Viết đến trang cuối cùng bộ truyện dài trào phúng và hí lộng kia, Phụng đã vật mình xuống manh chiếu rách, trên tay mẹ già, một tối mùa đông". Ông yêu nghề viết bằng tất cả tâm huyết của mình, hiếm có nhà văn nào trên thế gian mong muốn khi chết được người đời kê đầu mình lên những trang bản thảo.
Đọc lại những dòng hồi ức của nhà văn Ngọc Giao ta không sao cầm được nước mắt, đau đớn quá, thê thảm quá của kiếp nhà văn chân chính nước ta ngày ấy: "Rồi lại có một chiều, tôi gặp Phụng ở giữa đường, tôi rợn người vì mặt anh không còn thinh sắc nữa. Anh lê gậy đi như một con ma giữa cái thiên hạ đang tranh sống dưới mặt trời, trong bụi gió, Phụng lảo đảo ngả vào tôi, hổn hển: "Đưa tôi đến nhà báo thu thập những bản thảo đã in rồi. Tôi cần giữ bản thảo của tôi. Tôi thích chơi bản thảo, càng dây bẩn nhiều vết tay anh em thợ chữa lại càng quý". Lần thứ hai, tôi vực Phụng lên 32 bậc cầu thang đánh bóng, xin bản thảo về. Tới nhà Phụng lại ngất trên tay mẹ già không còn nước mắt mà nhỏ xuống vầng trán lạnh người con hiền. Anh nắm tay tôi: "Giao ơi, khi liệm xác tao, nhớ cho tao gối đầu lên bản thảo. Đó là điều yêu sách cuối cùng nhờ ở lũ chúng bay còn sống sót. Đừng quên nhá!".
Hoàn cảnh gia đình Vũ Trọng Phụng thật éo le. Cha của ông mất sớm từ khi ông mới ba tuổi. Mẹ ông ở vậy nuôi con vừa nuôi mẹ chồng. Thương mẹ, vừa học xong chương trình tiểu học Pháp - Việt ông đi làm cho nhà hàng Gôđa với đồng lương khá tốt. Nhưng rồi ông phải bỏ chỗ làm ấy vì không cam chịu làm nô lệ, không chịu được cảnh người Pháp khinh rẻ người Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Đạm cùng thời, biết rõ điều này: khoảng tháng 9 hay tháng 10-1926 anh vào làm ở nhà hàng Gôđa (chỗ bách hóa tổng hợp bây giờ) nhưng chỉ được vài tháng thì thôi việc ở đấy. Ở chuyện này có người viết giản đơn là anh bị đuổi, còn thêm lý do là anh đem sách báo vào đọc trong giờ làm. Tôi rất muốn các anh đính chính cho... Hôm anh quyết định thôi việc tôi được chứng kiến. Hôm ấy anh là người ra cửa sau cùng, một người Tây nói chuyện với anh: "Thế là từ nay ông không trở lại đây nữa?" "Vâng" "Thế ông có nhẹ dạ mà quyết như thế không đấy?" "Các ông là người thuê làm. Chúng tôi là người làm thuê. Hôm nay các ông cho khám túi từng người lúc ra, vì các ông nghi chúng tôi ăn cắp. Thế thì các ông khinh chúng tôi quá. Tôi không thể đến đây làm được nữa" "Ông chắc là sẽ tìm được chỗ làm mới?" "Vâng".
|
Chuyện nhà văn Vũ Bằng kể trên Tạp chí Văn học Sài Gòn số 114 ngày 15-10-1970 giúp người đọc thế hệ sau hiểu hơn, quý trọng hơn nhân cách người cầm bút Vũ Trọng Phụng: "Cùng lúc làm báo Công dân Phụng có viết thêm Hà Nội báo cho nhà Lê Cường ở chợ Hôm. Có một hôm, không nhớ vào dịp gì, Lê Cường mở tiệc chiêu đãi anh em quen biết cùng dự với anh em bình bút tờ Hà Nội báo và Nhà xuất bản Lê Cường. Giữa bữa tiệc, Lê Cường hỏi thăm Phụng làm báo Công dân như thế được bao nhiêu một tháng. Phụng trả lời gọn thon lỏn: "Chẳng được đồng nào cả". Thực ra chúng tôi làm báo Công dân theo tinh thần tập đoàn, có cùng ăn, lỗ cùng chịu. Có tháng anh em có tiền, nhưng có tháng thì đi hát đi hút hết không còn đồng xu. Riêng đối với Phụng, anh em thế nào cũng giữ lại một chút để đưa anh. Nhưng vốn không ưa những anh giàu hỏi, Vũ Trọng Phụng cứ nói thế để chọc tức Cường. Lê Cường bèn đề nghị: "Tôi mến phục anh đã lâu, bây giờ tôi bàn với anh thế này: Anh về hẳn đây làm cố vấn cho tôi, mỗi tháng tôi xin đưa anh một số lương tương đương với số lương cộng lại mà các báo hiện giờ anh giúp việc trả cho anh". Vũ Trọng Phụng xoa tay một cách niềm nở. Ai cũng tưởng anh nhận lời. Anh nói chậm rãi và từ tốn với vợ chồng Lê Cường: "Ông bà... có lòng yêu mà dạy thế, tôi xin cảm ơn vạn bội. Nhưng ông bà là người giàu có, làm nghề bán thuốc lậu và tim la, nên có lẽ không quan niệm được rõ ràng nghề viết sách và viết báo thế nào. Viết sách viết báo không phải là đi làm công. Người có báo nhờ người viết báo để cho họ bán được báo lấy tiền, chứ không phải làm ơn cho ai hết, mà người viết báo giúp đỡ người chủ báo chứ không phải sống nhờ vào chủ báo. Vậy tôi viết báo giúp ông bà chứ không phải đi làm với ông bà. Mà đã giúp ông bà làm báo thì tôi phải viết. Tôi không muốn giữ một chức cố vấn "tếu" để ông bà thí cho một số tiền hàng tháng, mà chính tôi không làm gì. Ấy là nói ông bà có lòng tốt thật. Tôi biết có người mượn người ta làm cố vấn mà thực ra lại muốn dùng người ta làm quản gia. Cái gì chứ cái nghề làm quản gia, thực quả là tôi chưa học tới bao giờ hết".
Bạn văn nhớ về Vũ Trọng Phụng là nhớ về một nhà văn, nhà báo dù trong hoàn cảnh khó khăn nào vẫn luôn giữ những phẩm chất tốt đẹp: Yêu thương những người lao động bị áp bức bóc lột, sống trung hậu đầy tình nghĩa với bạn bè, nhân ái với mọi người, tâm huyết với nghề cầm bút. Không chỉ bằng ngòi bút, cả cuộc đời ông là sống tranh đấu cho sự công bằng xã hội.
Thay mặt anh em văn nghệ sĩ, nhà thơ Lưu Trọng Lư đọc lời điếu Vũ Trọng Phụng hôm tiễn nhà văn về với thế giới bên kia chiều 13-10-1939 tại nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội, thật sâu sắc, thật cảm động: "Người vừa từ giã chúng ta tuy là một văn tài lỗi lạc, mà than ôi! Chỉ là một người bình dị, một người cha đứng đắn, một người chồng đứng đắn hơn, một người rất hiếu, người của khuôn phép, của nề nếp... Con người ấy không giết qua một con muỗi nhưng kỳ diệu! Văn chương người ấy đã làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh... Vũ Trọng Phụng đối với thời đại Vũ Trọng Phụng cũng giống như Balzăc đối với thời đại của Balzăc...".
Nhà văn có sức mạnh của đức tin, dũng cảm chiến đấu cho cái chân, cái thiện, cái mỹ chiến thắng trên cõi đời nên không một thế lực nào làm cho ông khiếp sợ. Sáng tác của Vũ Trọng Phụng tập trung vào những vấn đề gai góc, nhức nhối của xã hội lúc bấy giờ, từ Cạm bẫy người đến Kỹ nghệ lấy Tây từ Số đỏ đến Giông tố, Vỡ đê và rất nhiều tác phẩm giá trị khác nữa.
Cái đê tiện, thâm độc của bọn thống trị, sự thối nát của chế độ thực dân nửa phong kiến những năm đầu thế kỷ trước bị nhà văn trẻ vạch trần không chút sợ hãi.
Nói như nhà văn Nguyên Hồng, những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như "những mũi dao khoét sâu vào cái ung nhọt xã hội". Trong cái màn đêm đen tối ấy, Vũ Trọng Phụng đã nhìn thấy chút ánh sáng từ những người cách mạng và nhà văn của chúng ta đã viết về họ.
Ông Đỗ Tất Lợi, một trong nhiều bạn đọc yêu thích truyện của Vũ Trọng Phụng thời ấy đã nói lên điều này - cũng có người cố tình vô ý bỏ quên: "... Tôi băn khoăn, nhất là sau khi đọc hết những lời giới thiệu của những nhà văn, nhà phê bình văn học trong mấy tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tôi thấy mọi người hình như quên hay không biết đến loại bài nhà văn Vũ Trọng Phụng ca ngợi những nhà yêu nước lúc bấy giờ, ca ngợi để làm gì nếu không khích lệ mọi người nêu gương những nhà yêu nước ấy? Lúc ấy tôi nghĩ nhà văn Vũ Trọng Phụng có thể bị Pháp bỏ tù dễ dàng. Bài thứ nhất tôi đọc một cách say mê và có lẽ đó là bài đầu tiên trong loạt bài này, bài Vũ Trọng Phụng viết về nhà yêu nước có vóc người nhỏ nhắn: Ký con Đoàn Trần Nghiệp. Bài này đăng ở trang đầu, chiếm cả trang đến nay tôi không còn nhớ có sang trang sau nữa hay không, của một tờ báo hàng ngày in hai mầu hình như Ngọ báo hay Hà Thành ngọ báo... Vũ Trọng Phụng còn viết một số bài về Nguyễn Ái Quốc cũng đăng trên một số báo cũng chiếm cả một trang nhất như bài Ký con Đoàn Trần Nghiệp".
... "Theo nhà văn, giáo sư Phan Cự Đệ, tác giả Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thì Vũ Trọng Phụng viết Đời cạo giấy đăng trên báo Tân thiếu niên của Lưu Trọng Lư, năm 1935 ca ngợi Đoàn Trần Nghiệp là người anh hùng dân tộc. Cũng trên số này đăng bài thơ Con voi già của Phạm Huy Thông tặng cụ Phan Bội Châu. Báo Tân thiếu niên mới phát hành được một số thì bị thực dân Pháp đình bản vĩnh viễn.
Chính cái nhân cách lớn của Vũ Trọng Phụng cùng với thiên tài văn chương đã sáng tạo cho đời những tác phẩm văn chương, báo chí mà không một nhà văn, nhà báo nào có thể thay thế được, ông là "Thư ký của thời đại" vừa đau thương vừa anh hùng thế kỷ XX.