Với Phê bình và cảo luận (gồm phê bình nhân vật, phê bình sách và cảo luận), Thiếu Sơn đã kịp thời giới thiệu, khích lệ những sáng tác văn học đương đại (thời Thiếu Sơn) mang tư tưởng và nghệ thuật tiến bộ của Tản Ðà, Hồ Biểu Chánh, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Ngọc Phách...
Cũng năm 1933, ông cho xuất bản tác phẩm Ðời sống tinh thần và câu chuyện văn học. Ông còn sáng tác một số tiểu thuyết và nhiều bài báo có giá trị về sau như Bài học Hồ Chí Minh, Bài học Phan Tây Hồ, Bài học Ngô Ðức Kế, Bài học Huỳnh Thúc Kháng, Bài học Tản Ðà, Bài học Nguyễn Văn Vĩnh...
Từ điển văn học (NXB Thế giới, H, 2004) đánh giá: "Với Phê bình và cảo luận, ông được coi là một trong những người mở đầu cho phê bình văn học bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam". Ðó là một đánh giá cao của giới nghiên cứu và công chúng, ghi nhận vị trí đặc biệt của Thiếu Sơn và ảnh hưởng của ông trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại.
Thiếu Sơn (1908 - 1978) tên thật là Lê Sĩ Quý, quê gốc ở Hải Dương, tốt nghiệp Thành chung năm 1927. Năm 1930, ông vào Sài Gòn kiếm sống, làm công chức bưu điện, viết cho các báo Nam Phong, Phụ nữ tân văn, Ðuốc nhà Nam, Tiểu thuyết thứ bảy... Ông từng tham gia Ðảng Xã hội Pháp.
Từ năm 1947 - 1949, nhà văn Thiếu Sơn làm chủ bút báo Justice (Công lý) dùng ngòi bút tích cực đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp nên thường xuyên bị chúng đàn áp, bắt giam.
Năm 1949, ông cùng Vũ Tùng, Dương Tử Giang ra vùng kháng chiến, làm thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Nam Bộ và tham gia hoạt động văn nghệ kháng chiến. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông lại được phân công cùng một số đồng chí trở lại Sài Gòn dùng các báo Công lý, Ðiện báo, Thần chung để đấu tranh thống nhất, tố cáo những âm mưu và tội ác của Mỹ - Diệm, do đó lại bị Diệm - Nhu bắt giam.
Ra tù, ông lại tích cực hoạt động, là một trong những ngọn cờ trong lực lượng thứ ba tập hợp đội ngũ trí thức đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước; do đó, năm 1972 ông lại bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu bắt.
Báo Tin sáng (Sài Gòn) số ra ngày 4-3-1972 đưa tin: "Nguồn tin thông thạo cho biết, cơ quan an ninh vừa bắt một ổ điệp báo tại Sài Gòn. Trong đó có nhà văn Thiếu Sơn và nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu". Sau 1975, ông tiếp tục viết bài cho các báo Sài Gòn giải phóng, Ðại đoàn kết...
Thiếu Sơn Lê Sĩ Quý là một nhà văn, nhà báo mang trong mình lòng yêu nước thương nòi sâu sắc; một ngọn bút trung thực, tận tụy vì sự nghiệp độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội; kiên cường dũng cảm, bất khuất trước bạo lực. Giữa Sài Gòn, khi nghe tin Bác Hồ từ trần, ông đã viết bài Vĩ nhân siêu việt đăng trên báo Thần chung, số ra ngày 4-9-1969.
Sau khi khẳng định Hồ Chí Minh là "một người Việt đã làm cho cả thế giới phải biết đến cái tên Nước Việt và Người Việt", ông viết: "Không ai có thể phủ nhận được rằng, ông (tức Hồ Chí Minh) đã thành công trong việc lãnh đạo một dân tộc lạc hậu sau một trăm năm ngoại thuộc bị ngoại bang bóc lột đến tận cùng xương tủy và vừa phải khoác lên đầu vành khăn đau thương vì hai triệu người ruột thịt vừa gục ngã khắp hang cùng ngõ hẻm, xó chợ đầu đường, vì kế hoạch triệt đường lương thực của thực dân Pháp và phát-xít Nhật, mà chính những người còn sống sót cũng chưa được phục hồi.
Mười năm sau, thực dân Pháp, một cường quốc từng cai trị một phần tư thế giới này đã phải đầu hàng đoàn quân... của ông!
Ngừng tay chiến đấu được năm năm và giữa lúc còn chưa phục hồi được gì do mười năm chiến tranh tiêu thổ tàn phá đất nước, ông lại phải công khai đương đầu với một siêu cường quốc số một trên thế giới này.
Ai dám bảo mười năm sau, siêu cường kia sẽ không phải điêu đứng, ê chề vì ông?".
Ðó là một tiên đoán, và trên thực tế, thời gian ấy không đến mười năm. Chắc chắn, những bài báo như vậy đã có tác động không nhỏ thức tỉnh lòng yêu nước và sự giác ngộ của đông đảo trí thức, nhân dân trong vùng tạm chiếm của Mỹ - ngụy. Thiếu Sơn là một nhà văn, nhà báo kháng chiến tiêu biểu. Tâm sự về nghề, ông từng viết: "Mỗi nhà văn Việt Nam đều có cái độc đáo của họ. Nhưng không ai có thể thành công được nếu không chịu hòa mình vào với nhân dân và không biết sống đời sống dân tộc".
Thiết nghĩ, điều ấy đã đúng, đang đúng và sẽ luôn luôn đúng.