Không chỉ nghiên cứu thảo dược, nông lâm, Herbert còn là người thiết kế mô hình nông nghiệp bền vững, một giáo viên hay một nhà thực vật học chân trần như anh mô tả.
Thú vị không kém, Herbert còn là người sáng lập Đom Đóm Permaculture, một tổ chức giáo dục nhằm mục đích hướng dẫn cộng đồng cách sinh tồn nhờ thức ăn và thảo dược.
Cẩm nang về cây thuốc bằng tiếng Anh
Nói về cây thuốc Việt Nam, không có gì so sánh được với bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của nhà dược học Đỗ Tất Lợi (1919-2008). Đây là công trình nghiên cứu trong hơn 20 năm của ông, được xuất bản lần đầu vào năm 1962, với hơn 700 vị thuốc.
Tuy nhiên, Wild Medicinal Plants of Central Vietnam (tạm dịch Những cây thuốc dại của miền trung Việt Nam) của Herbert có lẽ là cuốn sách đầu tiên về cây thuốc của Việt Nam, bằng tiếng Anh được xuất bản. Herbert đã nghiên cứu thực vật ở nhiều nơi trên thế giới nhưng Wild Medicinal Plants of Central Vietnam là kết quả của vỏn vẹn hơn một năm anh khám phá, nghiên cứu cây dược liệu của Việt Nam.
Hơn 370 trang cuốn sách được anh chia thành hai phần, trong đó phần 1 cung cấp cho độc giả bối cảnh sinh thái, văn hóa và lịch sử để xem xét các cây thuốc. Phần này khám phá sự cần thiết phải kết hợp kiến thức về thực vật vào cuộc sống hằng ngày nhìn từ góc độ y học, ẩm thực và tâm linh; ngoài ra là kiến thức về nhận biết, thu hoạch, chế biến cây dại, phương pháp sử dụng trong trị liệu.
Phần 2 bao gồm thông tin về hơn 200 cây thuốc và cây dại mọc ở miền trung Việt Nam. Mỗi loại cây đều có kèm hình ảnh và mô tả để dễ dàng nhận biết, giải thích về công dụng và tổng quan về đặc tính y học và dược phẩm.
Wild Medicinal Plants of Central Vietnam (tạm dịch Những cây thuốc dại của miền trung Việt Nam) của Henry Herbert có lẽ là cuốn sách đầu tiên về cây thuốc của Việt Nam, bằng tiếng Anh được xuất bản. Herbert đã nghiên cứu thực vật ở nhiều nơi trên thế giới nhưng Wild Medicinal Plants of Central Vietnam là kết quả của vỏn vẹn hơn một năm anh khám phá, nghiên cứu cây dược liệu của Việt Nam.
Xét về độ dày và lượng kiến thức mà cuốn sách mang lại, tác giả không chỉ am hiểu về hệ thực vật ở miền trung, chủ yếu ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, mà còn phải bỏ thời gian, công sức để tìm kiếm từng loại cây, rồi ghi chép, chụp ảnh, xác định tên khoa học và tên tiếng Việt. Khó khăn lớn nhất mà Herbert phải đối mặt có lẽ là việc sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp mỗi khi anh tìm hỏi người địa phương về mỗi loại cây.
Lý do là anh mới đến Việt Nam vào năm 2018 và sinh sống tại Hà Nội, chứ không phải bắt đầu ở một tỉnh, thành phố nào của miền trung. Chàng trai 28 tuổi người Anh thừa nhận, do sống ở Hà Nội nên anh học nói giọng miền bắc, và vì thế, khi giao tiếp với người miền trung, anh không nghe rõ người dân nói gì, đặc biệt nếu họ nói nhanh.
Cũng vì thế, việc xác định tên khoa học và tên tiếng Việt của mỗi cây thuốc không hề dễ dàng với Herbert. Như anh cho biết thì ở Việt Nam, bất cứ loài nào cũng có nhiều tên bản ngữ tùy theo địa phương và một tên tương tự có thể được dùng cho nhiều loài. Điều này giải thích tại sao có một số cây, Herbert phải tự tay thu hoạch, chế biến và sử dụng để đưa ra những đánh giá và khuyến nghị trực tiếp.
Bù lại, khóa thực tập về thảo dược trong hè 2018 tại cộng đồng sinh thái Schweibenalp ở Thụy Sĩ đã giúp Herbert hiểu sâu hơn về thế giới cây dại. Việc nhận ra chung quanh chúng ta có những phương pháp chữa bệnh hiệu quả khiến anh bất ngờ, dù anh đã học nhiều về nông nghiệp bền vững, nông trại, lâm nghiệp, và thảo dược với sự giúp đỡ của bạn bè, những người thầy, sách vở và trải nghiệm cá nhân trước đây khi ở châu Phi.
Đó cũng là lý do mà mùa đông 2019, Herbert và Linh, bạn gái của anh, chuyển đến một nông trại nhỏ ở ngoại ô thành phố Huế sinh sống. Họ đã học được cách sống giữa thiên nhiên và quan trọng nhất, điều này mang lại cho Herbert cơ hội tìm hiểu về hệ thực vật phong phú ở khu vực miền trung.
Nhờ đó, chỉ trong hơn một năm, Herbert, với sự giúp đỡ của Linh, cô gái sau này trở thành vợ anh, và chú chó Percy, đã có mặt ở khắp các khu rừng của Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam. Mục đích của anh là thu thập kiến thức về các cây thuốc và cây dại vì chúng quá nhiều, quá mới mẻ và lạ lẫm so với những loài anh đã gặp ở Colombia hay Thụy Sĩ.
May mắn cho Herbert là anh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người am hiểu về cây thuốc và cây dại, dù gặp những khó khăn trong giao tiếp, không kết nối được với gia đình và bạn bè, không quen với khí hậu ở đây, trong đó có chú Thỉ, chị Chỉnh của Nông trại giáo dục Hoa Sen, anh Sơn và anh Hùng của Tịnh Trúc Gia hay chú Bun của Làng Châu Chữ, những người anh đã dành cho họ lời cảm ơn đặc biệt ở phần giới thiệu của cuốn sách Wild Medicinal Plants of Central Vietnam.
Henry Herbert cũng là một nhà thiết kế mô hình nông nghiệp bền vững. |
Tình yêu với đất nước và con người Việt Nam
Cô gái tên Linh được nhắc đến trong câu chuyện giữa tôi và Herbert là Vương Thùy Linh, người vợ của anh. Họ gặp nhau ở Hà Nội, đúng hơn là ở một quán bar có nhạc sống, như Herbert tâm sự, anh đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và cách nói chuyện của cô.
Không rõ đây có phải là định mệnh hay không vì nếu Herbert chọn Đà Nẵng hay Thành phố Hồ Chí Minh là điểm dừng chân đầu tiên, anh chắc chắn sẽ không gặp được Linh, sẽ không có cô gái người Hải Dương trong hành trình rong ruổi đến Huế rồi Ninh Bình, nơi hai người tham gia dự án về học và thực hành nông nghiệp bền vững tại Lá Library. Tiếc là dự án gặp một vài trở ngại, khiến Herbert và Linh không thể gắn bó lâu dài.
Họ trở lại Hà Nội cách đây không lâu, thay vì tiếp tục những hoạt động như giới thiệu về nông nghiệp bền vững, nguyên tắc thiết kế, khoa học về đất và các biện pháp cải tạo, nước và vòng đời của nước, thu và giữ năng lượng, kỹ thuật và kỹ năng (trong vườn rừng và vườn rau).
Nhìn bên ngoài chàng trai người Anh rất trẻ, thân thiện và cởi mở. Anh nói tiếng Việt rất sõi, diễn đạt vấn đề trôi chảy, nhờ đó cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên gần gũi như giữa những người bạn. Anh biết Việt Nam và Hà Nội qua một người bạn nhưng lúc mới đến, anh cũng không thể thích nghi ngay được với cuộc sống tại đây vì mọi thứ hoàn toàn khác so với những nơi anh đã đi qua.
Sinh ra và lớn lên ở ngoại ô London giữa những năm 1990, nhà chỉ có một khu vườn nhỏ, sự kết nối của Herbert với thiên nhiên do vậy rất hạn chế. Thời điểm này, internet bắt đầu bùng nổ, khiến anh lao vào các trò chơi điện tử và các diễn đàn, lấy đi của anh nhiều thời gian và sức khỏe. Herbert hiểu biết rất ít về thế giới xanh bên ngoài London.
Không chỉ nghiên cứu thảo dược, nông lâm, Herbert còn là người thiết kế mô hình nông nghiệp bền vững, một giáo viên hay một nhà thực vật học chân trần như anh mô tả. Thú vị không kém, Herbert còn là người sáng lập Đom Đóm Permaculture, một tổ chức giáo dục nhằm mục đích hướng dẫn cộng đồng cách sinh tồn nhờ thức ăn và thảo dược.
Đến tuổi đi làm, anh lại cảm thấy sức ép của phong cách sống hiện đại trong thế kỷ 21 đè nặng lên đôi vai. Công việc văn phòng (anh làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm), những lá rau sạch được cuốn trong nilon, những bữa ăn sẵn, những buổi chơi khuya khiến anh cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt, vô vị. Vì thế, được truyền cảm hứng từ những tác phẩm của tiểu thuyết gia người Mỹ là Jack Kerouac, Herbert quyết định khám phá thế giới, tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống mà anh đang thiếu vào năm 2016.
Bỏ lại công việc, cuộc sống đầy đủ nơi thành phố, những cuộc chinh phục đỉnh núi, thảo nguyên, các khu rừng rậm ở miền nam châu Phi tuy khó khăn, vất vả nhưng cũng mang lại điều mà anh cần: sự kết nối với thiên nhiên. Herbert được đến thăm nông trại nông nghiệp bền vững đầu tiên ở Malawi, sống với người Maasai ở phía bắc Tanzania, và cho tới khi đến Colombia...
Tại đó, dưới chân dãy Andes, Herbert biết được cảm giác khi bàn tay anh chạm sỏi đá và anh đã có thể tự nuôi sống bản thân như thế nào. Anh đã bước những bước nhỏ vào thế giới nông trại, nông nghiệp bền vững, cây dược liệu, thiền, chế độ ăn uống lành mạnh và cây dại.
Mọi hiểu biết và kiến thức đó đã được Herbert áp dụng hiệu quả ở Huế, đặc biệt trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cuộc sống ở nông trại khiến họ miễn nhiễm với tác động của dịch bệnh, đồng thời giúp họ nhận ra tầm quan trọng của việc tự trồng thực phẩm và ít phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi thế giới đóng cửa, nếu bạn có một nơi an toàn với một khu vườn đầy thực phẩm, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Herbert hiểu rõ điều này và mục tiêu của anh là hướng dẫn những người khác cách làm tương tự. Đây là lý do giải thích tại sao Herbert và vợ tham gia vào dự án của Lá Library tại Ninh Bình, cũng là lý do để anh lập ra Đom Đóm Permaculture, một tổ chức giáo dục nhằm mục đích hướng dẫn cho cộng đồng các kỹ năng sinh tồn nhờ thức ăn và thảo dược.
Do không thể triển khai dự án tại Lá Library, Herbert đang ấp ủ kế hoạch xây dựng dự án của riêng mình. Anh vẫn chưa xác định sẽ chọn địa điểm ở đâu giữa miền bắc, miền trung hay miền nam nhưng như chàng trai người Anh khẳng định, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai và làm vườn, gắn bó với thiên nhiên mãi là đam mê của anh.
Anh muốn truyền đạt những kinh nghiệm mà mình nhận được trong hành trình khám phá thế giới đến với tất cả, không chỉ thông tin trong cuốn Wild Medicinal Plants of Central Vietnam mà còn là cảm hứng để mọi người thay đổi, nhen nhóm trong họ kiến thức về tự nhiên, mang đến một cuộc sống xanh cho chính chúng ta và những thế hệ tương lai.