Mong muốn đóng góp nhiều chương trình hợp tác hướng về quê hương

NDO - Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam, phóng viên Báo Nhân Dân tháp tùng Đoàn đã có cuộc phỏng vấn với một số đại diện trí thức và cộng đồng người Việt Nam tại Australia để tìm hiểu những cơ hội đóng góp cho quê hương, đất nước của bà con, cũng như lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con gửi tới Đoàn công tác và Quốc hội Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Mekong Organics chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội.
Mekong Organics chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội.

Lan tỏa tri thức nông nghiệp hữu cơ giá trị cao

Phóng viên:Ông vui lòng cho biết những kết quả cụ thể trong dự án hợp tác nông nghiệp giữa Australia và Việt Nam mà ông đang triển khai?

TS Nguyễn Văn Kiền (Nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Australia, Giám đốc Mekong Organics): Nhiều năm trước có dịp dự hội nghị của hơn 2.000 người làm nông nghiệp hữu cơ từ khắp nơi trên thế giới, tôi quyết định thành lập Mekong Organics nhằm tạo ra cầu nối giữa nông nghiệp Australia và Việt Nam.

Mong muốn đóng góp nhiều chương trình hợp tác hướng về quê hương ảnh 1

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền trong vườn rau hữu cơ của gia đình tại Canberra.

Ban đầu, Mekong Organics xây dựng trang web để những người làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam giao lưu, chia sẻ thông tin. Tới năm 2019, tôi đã kết nối nhiều chuyên gia nông nghiệp hữu cơ ở nhiều bang Australia và mời họ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ giá trị cao qua Zoom với nông dân Việt Nam, các Hội Nông dân, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp quan tâm nông nghiệp hữu cơ.

Điều đáng mừng là, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên một số dự án chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ đã phải linh hoạt chuyển sang hình thức trực tuyến với số người tham dự tăng lên nhiều lần so với dự kiến, giúp hình thành một mạng lưới những người làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Tới nay, thông qua những hướng dẫn cụ thể và thực chất, dự án đã giúp nhiều bà con nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long thay đổi cuộc sống. Các bài giảng chia sẻ kiến thức và hướng dẫn cách làm nông nghiệp hữu cơ thực tế đã được tổng hợp trong cuốn sách “Organic Australia - Vietnam”.

Phóng viên: Tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại vùng trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm như thế nào để thành công?

TS Nguyễn Văn Kiền: Yếu tố tiên quyết để thành công là yếu tố con người. Các chính sách phát triển nông nghiệp nên được cụ thể khi triển khai hướng dẫn bà con nông dân được thực hiện. Ngay cả những khái niệm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái… cần được làm rõ trước khi bắt tay vào triển khai cụ thể các chương trình, chính sách.

Vấn đề then chốt để các chương trình, chính sách này thành công là đào tạo con người, hướng dẫn cho nông dân cách làm một cách cụ thể, thiết thực theo các tiêu chuẩn. Kế đến, cần xây dựng được các kênh kết nối giữa người nông dân với thị trường, thí dụ như các đơn vị, cơ quan làm công tác xúc tiến triển khai. Thêm nữa, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp cần được chứng nhận và tiêu chuẩn hóa theo yêu cầu cụ thể của từng thị trường mà sản phẩm đó nhắm tới.

Mong muốn đóng góp nhiều chương trình hợp tác hướng về quê hương ảnh 2

Cuốn sách Organic Australia - Vietnam tổng hợp các bài giảng, chia sẻ về làm nông nghiệp hữu cơ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền và các chuyên gia nông nghiệp Australia.

Từ nghiên cứu đưa vào thực tiễn đồng ruộng

Phóng viên: Những tiềm năng và lợi thế nào trong hợp tác song phương giữa Australia và Việt Nam trong lĩnh vực này, thưa ông?

TS Nguyễn Văn Kiền: Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế (The Australian Centre for International Agricultural Research - ACIAR) là cơ quan của Chính phủ Australia hỗ trợ nhiều nhất về hợp tác nông nghiệp với các nước.

Tuy nhiên, hợp tác của ACIAR chủ yếu vẫn tập trung chủ yếu vào an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Các hoạt động của ACIAR đang hướng tới tập trung nhiều vào sự tham gia của các doanh nghiệp, đưa các kết quả nghiên cứu nông nghiệp vào thực tiễn.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này để tham gia nhiều hơn vào chế biến và tiêu thụ nông sản, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho nông sản Việt Nam.

Phóng viên: Là người tâm huyết với nông nghiệp Việt Nam và quê hương, ông đánh giá thế nào về Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng Cần Thơ và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án vào trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng đồng bằng Sông Cửu Long tại Cần Thơ?

TS Nguyễn Văn Kiền: Tôi nghĩ khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần nhất lúc này là đẩy mạnh khâu chế biến. Chúng ta cần nhiều nhà máy chế biến hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khâu đầu ra cho nông sản.

Phóng viên: Ông có kiến nghị, đề xuất gì với Chủ tịch Quốc hội các đại biểu Quốc hội Việt Nam, một số bộ trưởng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương Việt Nam tham gia chuyến công tác Australia lần này?

TS Nguyễn Văn Kiền: Các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp cần có những đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, từ đó các địa phương Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đưa ra các đề xuất cụ thể để tận dụng các thế mạnh của Australia về công nghệ, logistics, truyền thông, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản.

Việt Nam cần trợ giúp người nông dân đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ giống bản địa để thương mại hóa và nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam. Các cấp chính quyền và các cơ quan bộ, ngành cần xây dựng chính sách nông nghiệp cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân nhiều hơn để có những chính sách nông nghiệp cụ thể, kịp thời và hiệu quả thiết thực.

Trong triển khai hợp tác nông nghiệp quốc tế, chúng ta cần có các thủ tục phù hợp và đơn giản hóa để thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác được nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông Nguyễn Văn Kiền!

Thế mạnh lớn: Văn hóa và tri thức Việt Nam

Phóng viên: Với vị khách thứ hai, thưa ông Harry Hoàng, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Canberra, CEO Công ty Tailored Accounts, với thành công với doanh nghiệp của mình và những hoạt động tâm huyết đối với cộng đồng người Việt Nam tại Australia, ông đánh giá thế nào về tiềm năng và thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Australia?

Ông Harry Hoàng: Cộng đồng người Việt ở Australia đang ngày càng lớn mạnh và gắn kết. Thế mạnh lớn nhất là chúng tôi mang đến một văn hóa đa dạng từ một đất nước có chiều dài gần 2.000km.

Mong muốn đóng góp nhiều chương trình hợp tác hướng về quê hương ảnh 3

Ông Harry Hoàng nhận giải thưởng về kế toán của Australia năm 2018.

Người Việt vốn rất tôn trọng và gìn giữ văn hóa gia đình, làng xã và họ luôn tự hào chia sẻ điều đó với những người bạn Australia của mình. Nếu trước kia người Australia chỉ biết tới phở và bánh mì, giờ họ đã biết đến nhiều đặc sản khác như gỏi cuốn, chả mực Hạ Long, bánh đa cua Hải Phòng, bún bò Huế hay hủ tiếu Nam Vang.

Cộng đồng người Việt siêng năng, chăm chỉ, họ có bằng cấp và học thức cao. Nếu nói về thành phố Canberra nơi tôi sống, nếu đi dự một cuộc họp mặt cộng đồng thì có đến nửa số người trong đó có bằng tiến sĩ, thạc sĩ đã đóng góp nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị.

Trong khi 20 năm trước, chúng tôi chỉ thấy những người thành công làm bác sĩ, giáo sư đại học hoặc kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống du lịch. Hiện nay, người Việt bắt đầu tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nhà ở và khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Công ty kế toán, kiểm toán Tailored Accounts của tôi là một thí dụ.

Mong muốn đóng góp nhiều chương trình hợp tác hướng về quê hương ảnh 4

Ông Harry Hoàng.

Chúng tôi cho rằng, môi trường startup ở Australia khá tốt, nguồn vốn nhiều, nhân sự giỏi dồi dào và chính sách mở cửa để các công ty khởi nghiệp có điều kiện vươn ra thế giới.

Phóng viên: Việc tối ưu hóa nguồn lực và những đóng góp của bà con cho quê hương đất nước cần quan tâm như thế nào để thành công?

Ông Harry Hoàng: Theo thông tin tôi tìm hiểu, mỗi năm kiều bào Australia chuyển về quê hương khoảng 1 tỷ AUD để đầu tư, kinh doanh hay gửi người thân. Nếu nguồn vốn này đầu tư hiệu quả và tạo ra giá trị cho nền kinh tế Việt Nam, thì dòng tiền đó chắc hẳn sẽ phát triển và mở rộng.

Đặc biệt, theo chúng tôi, khi trong giai đoạn khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dòng vốn này sẽ là giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp nếu nhà nước có thêm chính sách ưu đãi cho các cá nhân và quỹ đầu tư có thể đầu tư về Việt Nam.

Từ quan sát cá nhân, giới đầu tư nước ngoài luôn gặp phải hai trở ngại lớn. Một là hiểu luật thuế ở Việt Nam. Hiện tôi có khách hàng mở doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu dịch vụ IT sang Australia nhưng họ vẫn phải tính thuế VAT. Về mặt luật này, nếu so với các nước như Australia, khi chúng tôi xuất hàng hóa hay dịch vụ chúng tôi không phải tính thuế này cho khách quốc tế.

Mong muốn đóng góp nhiều chương trình hợp tác hướng về quê hương ảnh 5

Đêm nhạc “Đêm nhớ” của cộng đồng người Việt tại Canberra năm 2021.

Trở ngại thứ hai là tính minh bạch tài chính và kiểm toán cũng giữ yếu tố quan trọng. Nền kinh tế nước nhà ngày càng minh bạch, càng đi gần hơn với tiêu chuẩn kế toán kiểm toán quốc tế thì dòng vốn đầu tư sẽ chảy về nhiều hơn. Đây không chỉ là vấn đề chính sách vĩ mô mà còn vi mô. Các doanh nghiệp trong nước muốn có vốn cũng tự biết mình cần phải minh bạch hơn về sổ sách, họ phải theo kịp tiêu chuẩn kế toán kiểm toán quốc tế.

Phóng viên: Là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ông có kiến nghị, đề xuất gì với các đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia chuyến công tác tại Australia lần này?

Ông Harry Hoàng: Cộng đồng người Việt không chỉ tập trung ở một hay hai thành phố lớn. Tôi mong đoàn dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn tâm tư, nguyện vọng của bà con và giao lưu với cộng đồng.

Các tài năng âm nhạc, hội họa, ẩm thực và thể thao trong cộng đồng cần được tạo điều kiện để lan tỏa và khẳng định giá trị văn hóa Việt trong cộng đồng rộng lớn của một đất nước đa văn hóa như Australia và tăng cường sự gắn kết với quê hương, đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!