Hoạt động tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam:

Mong cộng đồng được là “chủ nhà”!

NDO -

NDĐT - Tôn trọng, đề cao vai trò cộng đồng trong các hoạt động, sự kiện. Nhưng quyết định mức độ tôn trọng, đề cao này, lại chính là việc bảo đảm vị thế “chủ nhà” của đồng bào, cộng đồng mỗi khi đến với làng.

Lễ đâm trâu của đồng bào Giẻ Triêng.
Lễ đâm trâu của đồng bào Giẻ Triêng.

Sẽ hoạt động thế nào, sẽ làm những gì tiếp theo, đẩy mạnh đầu tư vào những đầu việc nào, cần tiến hành song song những chương trình lớn với các kế hoạch nhỏ, cần nâng cao, bổ sung những gì về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp… Đó là những nội dung được bàn thảo, liên quan đến Làng VHDL các dân tộc Việt Nam – Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội trong dịp chào mừng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 này. Tại Bộ VHTT&DL, các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp du lịch vừa có cuộc trao đổi xung quanh Đề án tổ chức các sự kiện thường niên tại “Làng” giai đoạn 2015-2020.

Theo đó, làng sẽ tiếp tục được tập trung đầu tư để hoàn thiện các hạng mục công trình, là đại diện cho đời sống, văn hóa các dân tộc Việt Nam. Song song là những chuỗi hoạt động vào ba dịp lễ trọng trong năm với các chủ đề: “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” – dịp đầu năm, “Bản sắc Văn hóa Việt Nam” – dịp 19-4 và Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam” – dịp Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23-11.

Theo ông Lâm Văn Khang – Phó BQL làng, trong những năm tới, vào ba dịp này, tại đây sẽ lần lượt diễn ra các hoạt động, sự kiện như các liên hoan trang sức, võ thuật, nghề thuốc, các phiên chợ… của các dân tộc; rồi các tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc, Trường Sơn – Tây Nguyên, Nam Bộ…, tuần lễ đại đoàn kết các dân tộc và chiến sĩ vùng biên cương, hải đảo…

Xung quanh hướng đi của làng và việc cụ thể hóa hướng đi đó, nhiều đại biểu đã có những góp ý, phản biện, bổ sung với mong muốn các hoạt động, sự kiện ngoài nhiệm vụ chính trị đoàn kết dân tộc, ý nghĩa giao lưu, tôn vinh văn hóa…, sẽ ngày càng thiết thực hơn. Đó là cần sớm gắn kết việc vận hành làng với các hoạt động du lịch và xã hội hóa. Đặc biệt là thực sự đề cao, tôn vinh vai trò, sự sáng tạo và bảo đảm được lợi ích thiết thực cho các cộng đồng dân tộc mỗi khi về làng tham gia các hoạt động.

 Mong cộng đồng được là “chủ nhà”! ảnh 1

Sản phẩm tại một phiên chợ diễn ra tại làng.

Đã có những ý kiến cho rằng, bên cạnh việc đầu tư xây dựng lớn, tổ chức các chương trình hoành tráng, đông đảo, thì cần sớm quan tâm đến những “kế hoạch nhỏ”, những liên kết cụ thể. Ví dụ như làng phải có bộ phận chuyên trách trong việc tổ chức loại hình du lịch hội nghị, hội thảo để nghiên cứu tạo nên các sản phẩm hấp dẫn; cần kết nối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành thường xuyên hơn và tranh thủ sự tư vấn để cùng họ mở tour, tuyến du lịch mà trong đó làng là một điểm đến; cũng như phải chủ động và sớm cung cấp thông tin mỗi khi có hoạt động, sự kiện cho các doanh nghiệp để họ còn kịp đưa sự kiện đó vào tour, sớm chào mời, quảng bá du khách trong và ngoài nước.

Nêu cao chủ trương đưa cộng đồng trở thành chủ thể trong các hoạt động, sự kiện tại làng, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia, là rất đúng đắn, quan trọng. Nhưng còn nhiều vấn đề liên quan. Bởi cách nói, cách đề cao cộng đồng hiện nay có những xu hướng “mỹ miều hóa”, “hình thức hóa”… Trong đó, tưởng chừng cộng đồng được đặt lên hàng đầu, nhưng thực ra, một “cộng đồng nào đó” được đưa ra, lại rất phiến diện, không mang tính cố kết, không đại diện được cho một chủ thể văn hóa.

TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: Phát huy vai trò của cộng đồng cần bốn yếu tố: Cộng đồng được tham gia vào bàn bạc, lên kế hoạch sự kiện; tham gia vào tổ chức sự kiện; tham gia đánh giá hiệu quả sự kiện và được hưởng lợi từ sự kiện. Nếu không được bảo đảm những yếu tố trên, cộng đồng sẽ chỉ ở bên lề sự kiện.

Cũng có một số quan điểm tương đồng, TS Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai nhấn mạnh vào một số kiến nghị trong việc tổ chức các sự kiện tại làng.

Theo TS Trần Hữu Sơn, trong các hoạt động, sự kiện, nên chọn ra những chủ đề cơ bản, những hoạt động chính, là điểm nhấn, chứ hiện nay, làng thực hiện được nhiều nhưng vẫn cứ tràn lan, liệt kê. Đồng thời, có nhiều điều cần lưu ý khi đưa đồng bào dân tộc từ quê hương, từ không gian văn hóa quen thuộc của mình, đến tổ chức hoạt động tại làng, mặc dù ở đây cũng có sự mô phỏng nhất định, nhưng dù thế nào thì cũng vẫn là… “nhà trọ” chứ không phải là nhà của đồng bào. Cho nên, BQL làng, BTC các sự kiện cần tạo được không khí tương đối thật cho đồng bào tham gia, đồng thời tôn trọng tính tổng thể của các sự kiện, từ các chi tiết nhỏ trong sự kiện như đạo cụ, trang phục cho đến số lượng đồng bào tham gia phải đông đảo.

TS Sơn cho rằng, làng phải có được một đội ngũ đủ năng lực tổ chức sự kiện, hiểu biết về văn hóa, bản sắc các dân tộc, tôn trọng cộng đồng cũng như đủ khả năng “Việt hóa” được những phương pháp, kỹ năng tổ chức sự kiện vốn dựa trên mô hình học tập từ nước ngoài.

Hy vọng trong những tháng tới, việc đi song song giữa đầu tư xây dựng, hoàn thiện với phát triển du lịch sẽ được hiện thực hóa tại Làng VHDL các dân tộc Việt Nam. Và từ nay đến dịp diễn ra các hoạt động chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23-11, tại làng sẽ gây dựng được những điều kiện dịch vụ, vật chất bảo đảm phục vụ cho đông đảo đồng bào, du khách về tham dự các hoạt động cuối năm và đầu xuân. Và xa hơn là các hoạt động thường xuyên hơn trong năm chứ không chỉ ba dịp lễ lớn.