Yên Bái xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại suối Nậm Kim

NDO -

Đầu tháng 4, người dân xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước do hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực gây ra, khiến 1 ao nuôi cá bị chết, một số diện tích lúa bị hại do bùn lấp gây khô gốc.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái lấy mẫu nước ngay tại điểm thải ra suối Nậm Lùng.
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái lấy mẫu nước ngay tại điểm thải ra suối Nậm Lùng.

Ngày 14/4, UBND tỉnh Yên Bái giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập đoàn kiểm tra, xác minh việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đối với Công ty cổ phần Thịnh Đạt thuộc xã La Pán Tẩn và Công ty cổ phần Kim Thành thuộc xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải. 

Sáng 18/4, từ thành phố Yên Bái đến điểm mỏ, chúng tôi mất khoảng gần 5 giờ đi ô-tô. Đoàn đi vượt qua đỉnh Trống Páo Sang cao 2.400m, xuống dốc “Chín tầng địa ngục”, vượt dốc “Bảy tầng mây” trong thời tiết mây mù, đường đất trơn trượt, cua tay áo gấp khúc và những con dốc dựng đứng. Qua kiểm tra, xác định 2 doanh nghiệp này cùng một chủ đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến chì kẽm. 

Mỏ có 4 đường lò, chạy dọc theo các đường lò có lắp đặt 2 ống HDPE đường kính 200mm, nhằm thu gom nước thải đường lò và nước mưa, chiều dài ống khoảng 300m. Nước từ hố gom theo đường ống HDPE được dẫn về bể chứa tập trung, sau khi lắng để loại bỏ cặn lắng, nước thải chảy vào hồ tuần hoàn nước của nhà máy tuyển nổi quặng chì kẽm làm nguồn cấp nước cho hoạt động sản xuất của nhà máy.

Yên Bái xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại suối Nậm Kim -0
Bể lọc lắng nước thải tuần hoàn tại khu tuyển quặng chì kẽm.

Tại bể thu nước tập trung được chia làm 3 ngăn: ngăn lắng thô, ngăn xử lý hóa lý (bằng vôi bột và keo tụ), ngăn lắng trong. Sau khi lắng trong và lọc bùn, nước thải được đưa ra môi trường, quan sát bằng mắt thường nhận thấy nước có màu trong. Bùn thải được tập trung xử lý bằng hệ thống ép khô, bằng hệ thống tuần hoàn khép kín. Bùn thải sau khi ép khô thải ra môi trường là dạng khô tơi, được Công ty thu gom tại bãi thải có lót bạt HDPE dày, bãi thải có xây dựng đập chắn chứa bùn thải.

Nước mưa chảy tràn và nước thải sau xử lý chảy ra suối Nậm Lùng (sau đó hợp dòng Nậm Kim). Khi quan sát bằng mắt thường, nước của nhánh suối này trong, không có hiện tượng bị ô nhiễm do khai thác khoáng sản gây nên.

Trong quá trình kiểm tra, đã lấy 2 mẫu nước thải ra môi trường từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản của Công ty để phân tích hóa nghiệm. Ngày 25/4, Viện Công nghệ Môi trường có kết quả phân tích 2 mẫu nước trên, các chỉ số phân tích bao gồm: As, BOD, COD, Cd, Coliform, Độ màu, Pb, pH, Sunfua, TSS... đều đạt chuẩn, trong ngưỡng cho phép theo QCVN 40:2021/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. 

Như vậy, nước thải thải ra môi trường trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản của Công ty bằng các biện pháp xử lý làm sạch đã được xử lý triệt để, nước thải ra môi trường không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Khi làm việc với Giám đốc Công ty Cổ phần Kim Thành, đơn vị thừa nhận: Trong quá trình xây dựng hồ chứa bùn thải quặng đuôi, Công ty đã làm rơi đất, đá thải xuống suối Nậm Lùng, ảnh hưởng tới nguồn nước.

Xác định hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực tài nguyên nước, tỉnh Yên Bái ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Kim Thành với hành vi: Không có biện pháp kiểm soát chất thải trước khi thải ra nguồn nước, đối với cơ sở đang hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Số tiền xử phạt 50 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty nghiêm túc cam kết đền bù thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng đến đời sống, cũng như sản xuất của nhân dân, cam kết sẽ chấm dứt, không tái diễn làm ảnh hưởng nguồn nước suối Nậm Lùng và Nậm Kim.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Thịnh Đạt thừa nhận, nguồn nước tại suối Nậm Lùng và suối Nậm Kim trong thời gian qua bị ảnh hưởng là do công ty gây nên. Do thời gian này Công ty đang xây dựng 1 hồ chứa bùn thải quặng đuôi có diện tích rộng gần 4ha. Trong quá trình thi công đắp đập có chiều rộng hơn 100m, đã làm rơi vãi đất, đá xuống suối, làm ảnh hưởng nguồn nước. Công ty đã ý thức về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản là rất quan trọng, nên đã đầu tư kinh phí hơn 13 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải. 

Giám đốc Công ty Đào Xuân Thịnh cho biết thêm, ngay bên dòng Nậm Kim thuộc xã Tú Lệ, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ Resort, sử dụng nguồn nước nóng ngay bên suối làm du lịch, nên không có nguyên cớ gì xả thải ô nhiễm môi trường. 

Việc người dân phản ảnh nguồn nước 2 suối Nậm Lùng và Nậm Kim trong thời gian qua bị ảnh hưởng ô nhiễm là có thật, doanh nghiệp đã kịp thời đền bù thiệt hại cho việc sản xuất nông nghiệp một cách thỏa đáng. Với việc chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái trong chấn chỉnh các sai phạm, xử phạt nặng các lỗi đã gây ra, qua đó nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, không để tái diễn ô nhiễm nguồn nước thải do khai thác khoáng sản gây ra.