Xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng

NDO -

NDĐT - Ngày 27-12, tại Gia Lai, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng UBND tỉnh Gia Lai tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan về việc xây dựng Hồ sơ trình UNESCO công nhận cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) là khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng

Tham dự có các nhà khoa học, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện nằm trong vùng đề xuất, đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn..

Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng được xây dựng theo bảy tiêu chí của UNESCO, với nhiều phương án nghiên cứu và nội dung tiếp cận. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận về sớm hoàn thiện Hồ sơ khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng.

Các đại biểu nêu các tiêu chí để đạt danh hiệu một khu dự trữ sinh quyển, như: các hệ sinh thái đại diện, vùng địa lý sinh học; ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; cơ hội cho phát triển bền vững vùng; diện tích đủ lớn; khu dự trữ sinh quyển thực hiện ba chức năng: bảo tồn, phát triển, trợ giúp; sự tham gia của cộng đồng; cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng...

Về chức năng của khu dự trữ sinh quyển, cần đóng góp bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, các loài và các nguồn gen - di truyền; hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào các dự án trong các lĩnh vực giáo dục môi trường, đào tạo, nghiên cứu...

Hiện, Việt Nam có chín khu dự trữ sinh quyển thể giới, gồm: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ; Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai; Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà; Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng; Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang; Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An; Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau; Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; Khu dự trữ sinh quyển Langbian.