Ứng phó với tình trạng động đất liên tiếp ở Kon Tum

NDO -

Ngày 19/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống Thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để đánh giá tình hình, chủ động có giải pháp ứng phó với động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Cuộc họp do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai chủ trì. Tham dự có đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Xây dựng, Viện vật lý địa cầu, UBND tỉnh Kon Tum, các công ty quản lý công trình thủy điện trên địa bàn Kon Tum, đặc biệt là Thủy điện Thượng Kon Tum.

Theo thông tin cập nhật từ Viện Vật lý địa cầu trên địa bàn huyện Kon Plông, vào các ngày 15 đến ngày 17/4 xảy ra liên tiếp các trận động đất. Cụ thể, ngày 15/4 xảy ra 7 trận động đất, vị trí chấn tâm chủ yếu xảy ra trên địa bàn xã Đăk Tăng, Đăk Ring. Trong đó trận động đất có cường độ cao nhất là 4,1 độ richter, ở xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.825 độ vĩ Bắc, 108.282 độ kinh Đông, trên địa bàn xã Đăk Tăng, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.

Tiếp đó, ngày 16/4 xảy ra 2 trận động đất. Đến ngày 17/4, xảy ra 1 trận động đất vào lúc 0 giờ 43 phút 50 giây trên địa bàn xã Măng Bút, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.

Các trận động đất nêu trên có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Ứng phó với tình trạng động đất liên tiếp ở Kon Tum -0
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các trận động đất vừa qua tại Kon Tum đều là các trận nhỏ, người dân có thể cảm nhận được sự rung lắc, nhưng không gây rủi ro về thiên tai.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Kon Tum đã xảy ra hàng chục trận động đất. Đây cũng là khu vực có nhiều hồ thủy điện nên Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này.

Ngoài ra, các chuyên gia về động đất cho rằng, 18 trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum là do động đất kích thích, hệ quả từ các hồ chứa nước của nhà máy thủy điện đi vào hoạt động. Động đất kích thích xảy ra khi có sự tác động của hồ chứa thủy điện tích nước lên đới đứt gãy hoạt động trong khu vực.

Khu vực xảy ra động đất nằm trên đứt gãy đang hoạt động có tên Rào Quán – A Lưới, đây là đới đứt gãy mạnh, chạy từ Lào, qua A Lưới, kéo dài tới Quy Nhơn. Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại thủy điện sông Tranh 2 (Quảng Nam) và thủy điện Đắk Đrinh (Quảng Ngãi) khi các nhà máy này hoạt động tích nước hồ chứa.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho biết trong những ngày qua, rất nhiều người dân hoang mang, lo lắng đã gọi điện lên tỉnh hỏi nguyên nhân dẫn tới các trận động đất xảy ra liên tiếp từ ngày 15/4 đến nay.

Ứng phó với tình trạng động đất liên tiếp ở Kon Tum -0
Bản đồ các điểm động đất ở Kon Tum từ năm 2021 đến nay.

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, bảo đảm sơ tán mọi công dân trong vùng nguy hiểm để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.

Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai phối hợp tích cực với Viện Vật lý địa cầu để khẩn trương tìm ra nguyên nhân và nguy cơ xảy ra động đất, cắm biển cảnh báo kịp thời, xây dựng và cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn ứng phó tới người dân.

Ngoài ra, cần sớm đánh giá đúng nguy cơ động đất trong thời gian tới để lên phương án và kịch bản ứng phó cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân.