Phát triển sinh kế bền vững để người dân gắn bó với rừng

NDO -

Ngày 24/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức diễn đàn trực tuyến “Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia”, với sự tham gia của đại diện các Vườn quốc gia, Ban Quản lý rừng, các tổ chức phi chính phủ và một số doanh nghiệp.

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng đi tuần tra, bảo vệ rừng tại xã Đồng Vương, huyện Yên Thế.
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với chủ rừng đi tuần tra, bảo vệ rừng tại xã Đồng Vương, huyện Yên Thế.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay cả nước đã thành lập được 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 2,3 triệu ha; trong đó diện tích có rừng là 2.173.231 ha. 

Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm có khoảng 1.100 lượt thôn/bản vùng đệm các Khu bảo tồn đã được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 43,8 tỷ đồng; trong đó từ ngân sách nhà nước là 41,8 tỷ đồng, từ các nguồn ngoài ngân sách 2 tỷ đồng. Các hạng mục hỗ trợ chủ yếu là xây dựng hạ tầng như đường giao thông, nhà cộng đồng, hệ thống nước sạch, cây trồng, vật nuôi và thiết bị tuyên truyền. 

Những năm qua, nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách lâm nghiệp hỗ trợ người dân sống vùng miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo sinh sống tại khu vực gần rừng, khu vực sâu, xa, khó khăn; trong đó có vùng đệm các khu bảo tồn. Các cơ chế, chính sách này đã góp phần quan trọng trong bảo vệ và phát triển diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.

Riêng khoán bảo vệ rừng từ nguồn ngân sách Nhà nước, hằng năm các Ban Quản lý rừng đặc dụng tổ chức khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng vùng đệm từ ngân sách Trung ương với diện tích bình quân khoảng 500 nghìn ha, mức khoán cho hộ gia đình, cộng đồng căn cứ đối tượng, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đạt được hiệu quả cao. 

Hiện đã có 74 Ban Quản lý rừng đặc dụng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, chiếm 45% tổng số ban quản lý rừng với tổng diện tích rừng nằm trong lưu vực là 1,148 triệu ha, chiếm khoảng 48% về diện tích rừng đặc dụng, kinh phí chi trả khoảng 320 tỷ đồng, bình quân 292 nghìn đồng/ha (thấp nhất là 628 đồng/ha và cao nhất là 1 triệu đồng/ha). Phần lớn nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng được các Ban Quản lý rừng sử dụng để khoán bảo vệ rừng đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng sinh sống tại vùng đệm. 

Về hỗ trợ thôn, bản vùng đệm, theo tổng hợp từ các Ban quản lý các Khu bảo tồn, giai đoạn 2016-2020, hàng năm có khoảng 1.100 lượt thôn/bản vùng đệm các Khu bảo tồn đã được hỗ trợ thông qua Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển vùng đệm với tổng kinh phí khoảng 43,8 tỷ đồng. 

Tỷ lệ các vườn quốc gia được cấp kinh phí thực hiện chương trình này là 70%; các khu dự trữ thiên nhiên là 60%. Các hạng mục hỗ trợ chủ yếu là xây dựng hạ tầng như đường giao thông, nhà cộng đồng, hệ thống nước sạch, cây trồng, vật nuôi và thiết bị tuyên truyền. 

Các giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia đã góp phần quan trọng bảo vệ và phát triển diện tích rừng đặc dụng hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình sống tại vùng đệm, góp phần bảo vệ rừng, củng cố an ninh-quốc phòng vùng sâu, xa, vùng biên giới. 

Tuy vậy, theo đánh giá của các vườn quốc gia và chính quyền một số địa phương, công tác phát triển sinh kế tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục. 

Đó là, chính sách đầu tư chưa quy định thống nhất về nguồn vốn đầu tư (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), các hạng mục đầu tư và mức đầu tư, dẫn đến các địa phương thực hiện không nhất quán. Các địa phương quan tâm thì đầu tư cao, các địa phương thiếu vốn hoặc ít quan tâm thì bố trí kinh phí thấp. Chưa có chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng.

Mức khoán bảo vệ rừng còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu thu nhập của hộ gia đình, dẫn đến không thu hút được người dân, cộng đồng tham gia nhận khoán, hoặc tham gia thì không đầu tư nhiều thời gian cho các hoạt động bảo vệ rừng. 

Kinh phí hỗ trợ đầu tư 40 triệu/năm/thôn là thấp, không đủ xây dựng được một số công trình thiết yếu phục vụ cộng đồng. Trong khi đó, không được lồng ghép với các dự án khác, dẫn đến chất lượng, quy mô công trình công cộng không đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, các công trình, dự án chủ yếu hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng đệm, thiếu các mô hình giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, dẫn đến đời sống người dân vẫn còn khó khăn, tác động đến tài nguyên rừng. 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ về việc giữ nguyên mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đặc dụng đối với người dân, cộng đồng. Mức hỗ trợ kinh phí để phát triển sinh kế người dân sinh sống tại vùng đệm tối thiểu là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm, để thay thế các chính sách không còn phù hợp hiện đang áp dụng. Cùng với đó, các Ban quản lý rừng cần chủ động tạo nguồn thu ngoài ngân sách như phát triển du lịch sinh thái, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, bán tín chỉ carbon, chi trả dựa vào kết quả theo cơ chế REDD+… để chia sẻ lợi ích với cộng đồng vùng đệm theo hướng đồng quản lý. 

Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm, có sự tham gia của Ban quản lý rừng, doanh nghiệp và cộng đồng. Mặt khác, cần lồng ghép các chương trình như xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để hỗ trợ vùng đệm. Xã hội hóa công tác bảo vệ, phát riển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; thí điểm giao rừng đặc dụng cho doanh nghiệp ngoài nhà nước quản lý, gắn với bảo vệ rừng và phát triển vùng đệm…