Núi lửa đảo La Palma hoạt động tăng cường, sân bay buộc phải đóng cửa

NDO -

Các vụ nổ núi lửa tiếp tục phun dung nham nóng đỏ rực lên bầu trời đảo La Palma (Tây Ban Nha) sau khi một lỗ thông hơi mới xuất hiện ngày 25/9, buộc sân bay địa phương phải đóng cửa để bảo đảm an toàn và dòng người xếp hàng dài tại cảng chờ lên tàu rời đảo.

Dung nham phun trào từ núi lửa Cumbre Vieja nhuộm đỏ bầu trời đêm đảo La Palma, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)
Dung nham phun trào từ núi lửa Cumbre Vieja nhuộm đỏ bầu trời đêm đảo La Palma, Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)

Bắt đầu phun trào vào Chủ nhật tuần trước, núi lửa Cumbre Vieja trên hòn đảo nhỏ cực tây bắc của quần đảo Canaria đang bước vào một giai đoạn bùng nổ mới. Viện nghiên cứu núi lửa quần đảo Canary (Involcan) cho biết, lỗ thông hơi mới nằm ở phía tây lỗ thông hơi chính của núi lửa.

Theo Viện Khai khoáng và Địa lý quốc gia Tây Ban Nha, hình ảnh từ các máy bay không người lái cho thấy phần nón của núi lửa Cumbre Vieja đã bị phá vỡ.

“Có một sự bất thường trong đợt phun trào lần này khi mà nón núi lửa đã bị vỡ vụn. Vết lõm được hình thành đã không thể chống đỡ trọng lượng của nó, dẫn đến sự sụp đổ của nón. Một phần của sự đổ vỡ này mới chỉ xảy ra đêm qua,” ông Miguel Angel Morcuende, giám đốc ủy ban ứng phó núi lửa Pevolca, cho biết.

Núi lửa đảo La Palma hoạt động tăng cường, sân bay buộc phải đóng cửa -0
(Ảnh: Reuters)

Ông Morcuende cũng cho hay, công tác sơ tán, di tản sẽ tiếp tục được duy trì trong vòng 24 giờ tiếp theo như một biện pháp dự phòng.

Theo thống kê, núi lửa Cumbre Vieja đã phun ra hàng nghìn tấn dung nham, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và buộc gần 6.000 người phải sơ tán kể từ khi nó bắt đầu phun trào vào Chủ nhật tuần trước. Cơ quan điều hành sân bay Tây Ban Nha Aena cho biết, hoạt động núi lửa tăng cường đã khiến sân bay trên đảo La Palma phải tạm đóng cửa.

“Sân bay La Palma tạm thời ngừng hoạt động do lượng tro bụi tích tụ. Công tác dọn dẹp đã được triển khai, tuy nhiên tình hình có thể thay đổi bất cứ lúc nào,” Aena đưa ra thông báo trên Twitter.

Núi lửa đảo La Palma hoạt động tăng cường, sân bay buộc phải đóng cửa -0
 Do ảnh hưởng của tro bụi từ phun trào núi lửa, sân bay đảo La Palma đã buộc phải ngừng hoạt động, khiến hành khách không thể rời đảo bằng đường hàng không. (Ảnh: Reuters)

Công nhân đã tiến hành quét dọn tro bụi núi lửa ra khỏi đường băng. Bảng điện tử hiển thị các chuyến bay bị hủy. Ngoài ra, sảnh khởi hành cũng trở nên im ắng khi mọi người đến sân bay thì phát hiện ra rằng họ không thể lên máy bay rời đảo.

Xếp hàng dài tại cảng

Cảng chính của La Palma đã ghi nhận hình ảnh dòng người xếp hàng dài để cố gắng bắt các chuyến phà rời đảo sau khi đường hàng không tạm thời ngừng hoạt động.

“Tôi dự định đến Barcelona. Nhưng vì không thể đi máy bay, nên chúng tôi sẽ đi phà đến Los Cristianos (trên đảo Tenerife). Ở đó, chúng tôi sẽ bắt chuyến bay tới Barcelona,” ông Carlos Garcia (47 tuổi) nói.

Chính quyền địa phương cho biết, những người đã được sơ tán khỏi 3 thị trấn hôm thứ Sáu (24/9) sẽ không thể trở về nhà của họ để lấy đồ đạc vì những “diễn biến của tình trạng khẩn cấp núi lửa”.

“Chiều thứ Sáu vừa qua, các biện pháp đo đạc giám sát núi lửa được thực hiện kể từ thời điểm Cumbre Vieja bắt đầu phun trào đã ghi nhận hoạt động năng lượng ở mức cao nhất từ trước đến nay,” lực lượng cứu hộ cho biết.

Núi lửa đảo La Palma hoạt động tăng cường, sân bay buộc phải đóng cửa -0

Du khách xếp hàng dài tại cảng chính La Palma để chờ lên phà rời đảo. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, việc núi lửa phun trào đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của các ngư dân địa phương khi họ không thể ra khơi đánh cá trong suốt tuần vừa qua; nhiều người thậm chí còn mất hết nhà cửa.

Trước đó, các nhà chức trách đã sơ tán người dân ở các thị trấn Tajuya, Tacande de Abajo và một phần thị trấn Tacande de Arriba. Công tác di tản ở thị trấn này đã không thể hoàn tất sau khi một lỗ thông hơi mới xuất hiện ở bên sườn núi lửa.

Hiện vẫn chưa có báo cáo nào về các trường hợp tử vong hay thương tích nghiêm trọng liên quan đến đợt phun trào mới nhất của Cumbre Vieja, tuy nhiên khoảng 15% diện tích canh tác chuối trên đảo (có vai trò quan trọng về mặt kinh tế) đang đứng trước nguy cơ mất trắng, đe đọa sinh kế của hàng nghìn người dân.