Đây cũng là tháng 2 ghi nhận diện tích rừng Amazon bị chặt phá lớn nhất kể từ khi hệ thống giám sát bắt đầu đi vào hoạt động năm 2015.
Theo dữ liệu vệ tinh sơ bộ được Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) công bố ngày 11/3, trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ rừng Amazon ở quốc gia Nam Mỹ “biến mất” cao hơn gấp 3 lần so cùng kỳ năm ngoái, đạt 629 km2 - xấp xỉ diện tích của thành phố Chicago (Mỹ).
Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, trong đó 60% diện tích nằm trên lãnh thổ Brazil. Với khả năng hấp thu một lượng khí nhà kính khổng lồ, việc bảo tồn rừng Amazon đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại rằng, nạn phá rừng nghiêm trọng đang đẩy “lá phổi xanh” của Trái đất đến gần “điểm tới hạn” - một ngưỡng mà nếu vượt qua, rừng Amazon sẽ dần khô héo và trở thành một vùng savan, giải phóng lượng lớn khí nhà kính vào bầu khí quyển.
Nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy, trong 2 thập kỷ qua, hơn 3/4 diện tích rừng Amazon đã phần nào mất đi khả năng phục hồi sau các sự cố như cháy rừng và hạn hán.
“Nạn phá rừng và biến đổi khí hậu khiến mùa khô kéo dài hơn, hạn hán xảy ra với tần suất cao hơn, và có thể đã đẩy rừng Amazon đến gần ngưỡng khô héo (dieback)”, các tác giả nghiên cứu tại Đại học Exeter (Anh) cho biết.