Bồ Đào Nha dự kiến đấu thầu 3-4 GW công suất điện gió ngoài khơi

NDO -

Bồ Đào Nha đang lên kế hoạch tổ chức phiên đấu thầu đầu tiên đối với các dự án trang trại điện gió nổi ngoài khơi trong mùa hè này, với tổng công suất kỳ vọng đạt 3-4 gigawatt (GW) vào năm 2026.

Các turbine gió của dự án điện gió nổi WindFloat Atlantic ngoài khơi bờ biển Viana do Castelo, Bồ Đào Nha, 23/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Các turbine gió của dự án điện gió nổi WindFloat Atlantic ngoài khơi bờ biển Viana do Castelo, Bồ Đào Nha, 23/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Thông tin trên được Bộ trưởng Môi trường và Chuyển dịch năng lượng Bồ Đào Nha Joao Matos Fernandes đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters mới đây.

Là một phần của quá trình chuyển dịch toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch, các quốc gia trên thế giới đang đặt cược vào công nghệ mới để thúc đẩy sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Công nghệ điện gió nổi-được coi là biên giới cuối cùng trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi-đang thu hút sự quan tâm lớn ở nhiều nước, bao gồm Vương quốc Anh, Pháp và một số quốc gia Đông Nam Á.

Ông Fernandes cho biết, điều kiện gió của Bồ Đào Nha khiến công nghệ này trở nên hiệu quả và khả thi, đồng thời hy vọng về lâu dài nó sẽ giúp giảm giá điện cũng như giúp Bồ Đào Nha hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước xuất khẩu ròng về năng lượng.

“Bồ Đào Nha muốn trở thành nhà xuất khẩu năng lượng tái tạo hàng đầu trong tương lai, do đó chúng tôi phải đặt cược vào năng lượng gió ngoài khơi”, ông Fernandes cho hay.

Năm ngoái, Bồ Đào Nha đã đóng cửa 2 nhà máy nhiệt điện than, và hiện có 7,3 GW công suất thủy điện và 5,6 GW công suất điện gió trên bờ-chiếm 83% tổng công suất lắp đặt.

Quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu đã cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Hiện 60% sản lượng điện tiêu thụ ở Bồ Đào Nha đến từ các nguồn tái tạo, và tỷ lệ này được kỳ vọng tăng lên 80% trước năm 2030.

Hiện tại, Bồ Đào Nha chỉ có một dự án điện gió nổi quy mô nhỏ với công suất 25 megawatt (MW) ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu