Mobile Money thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Thực tế, những năm gần đây, phương thức thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Bên cạnh đó, với đặc thù là thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thanh toán điện tử đang trực tiếp làm giảm số lượng tiền mặt đang được lưu hành trên thị trường, giảm chi phí in ấn tiền, vận chuyển và kiểm đếm hay bảo quản tiền; giảm lạm phát khi lượng tiền mặt lưu thông giảm…Điều này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng (chủ yếu là ngân hàng) và tổng thể nền kinh tế.
Theo ông Phạm Quang Đệ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Liên Việt (hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính – Fintech), bản chất của Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Mobile Money là sự kết hợp của tiền điện tử và sử dụng hạ tầng kỹ thuật di động để thực hiện các giao dịch tài chính và sử dụng cơ sở dữ liệu thuê bao di động để định danh khách hàng.
Ông Đệ cho biết, để mở tài khoản Mobile Money thì khách hàng không cần có tài khoản ngân hàng. Ngược lại, để mở một Ví điện tử, khách hàng bắt buộc phải có một tài khoản ngân hàng. Đây chính là sự khác biệt căn bản nhất và cũng chính là lợi thế của Mobile Money so với các Ví điện tử trong việc cung cấp dịch vụ TTKDTM cho người dùng, nhất là khi tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng hiện nay chưa nhiều.
Thêm vào đó, theo ông Đệ, hiện nay tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính còn rất cao (hơn 50%), hầu hết lại tập trung ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, ở những nơi này thì các nhà mạng ở Việt Nam hầu hết đều đã có điểm giao dịch vật lý (shop) có sẵn, các điểm này có thể dùng làm điểm nạp/rút tiền mặt (hầu hết các Ví điện tử chưa làm được điều này do chi phí rất lớn). Do đó, Mobile Money với hơn 130 triệu thuê bao di động, khi triển khai hoàn toàn có thể “phủ sóng” đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Bên cạnh đó, đối với các đối tượng yếm thế trong xã hội thường có tâm lý là có tiền mới đến ngân hàng thì việc triển khai Mobile Money có thể giúp các đối tượng này dễ tiếp cận với các dịch vụ tài chính hơn các phương thức TTKDTM khác.
Theo công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 trên phạm vi toàn quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2019, cả nước có gần 1 triệu hộ nghèo (tỷ lệ 3,75%) và hơn 1,16 triệu hộ cận nghèo (tỷ lệ 4,45%). Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 1,4 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, hơn 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đây chính là số đối tượng yếm thế, họ không có và không biết làm các thủ tục mở tài khoản ngân hàng, rút tiền phức tạp, họ chính là những người cần hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ tài chính công bằng hơn, minh bạch hơn mà Mobile Money được nhận định chính là giải pháp phù hợp.
Tận dụng hạ tầng viễn thông, giảm chi phí xã hội
Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), Mobile Money hiện đã có mặt và phát triển tại 95 quốc gia trên thế giới với hơn 1 tỷ tài khoản được đăng ký, với lượng giao dịch trung bình 1,9 tỷ USD mỗi ngày, không những cho phép khách hàng nạp tiền, lưu trữ, thanh toán, rút tiền và chuyển khoản nhanh chóng dưới dạng tiền điện tử thông qua mạng thông tin di động, mà còn cung cấp các dịch vụ khác như tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm… tới mọi người dân.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với hai đặc điểm chính là tính phổ cập và thanh toán giá trị nhỏ, Mobile Money sẽ góp phần cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu của mình. Trong đó, mục tiêu chính là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn diện không sử dụng tiền mặt cho các đối tượng là người dân nghèo, người yếm thế ít có khả năng sử dụng các phương tiện tài chính hiện đại (thẻ ngân hàng, mobile banking). Do đó, việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy TTKDTM, cũng là xu hướng đang rất phổ biến hiện nay trên thế giới.
Ngày 9-3-2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Được biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (một trong những điều kiện để tham gia thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile Money) cho ba đơn vị đủ điều kiện, gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Viettel hiện có “độ phủ sóng” gần 60 triệu thuê bao di động trong nước, với hơn 2.600 cửa hàng, bưu cục và khoảng 350.000 đại lý/điểm bán. Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho biết, Viettel đặt mục tiêu ở đâu có sóng viễn thông, tại đó sẽ được triển khai các dịch vụ Mobile Money.
Đại diện VNPT cũng cho biết, doanh nghiệp cũng đã có hơn 10.000 điểm giao dịch thuộc sở hữu của VNPT và doanh nghiệp đối tác, gần 200 nghìn điểm kinh doanh dịch vụ cá nhân, hộ gia đình,…được phủ rộng khắp toàn quốc, sẵn sàng hoạt động khi Mobile Money chính thức được triển khai.