Mở rộng tín dụng giúp doanh nghiệp Bình Dương phục hồi sản xuất

NDO -

Chiều 22/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, mục tiêu của hội nghị nhằm đối thoại, trao đổi giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp liên quan đến triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Đồng thời, đây cũng là dịp để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin tới các doanh nghiệp, Hiệp hội, các sở ban ngành tại Bình Dương về tổng thể các giải pháp của ngành ngân hàng và kết quả đến nay; giải đáp các vướng mắc; ghi nhận các đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn khôi phục sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.

Theo báo cáo từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam): Đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, tăng 5,15% so cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%). Tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đồng quan điểm khi nhìn nhận sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Bình Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó cụ thể để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn cho vay, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch bệnh. 

Toàn ngành ngân hàng cũng đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Riêng địa bàn tỉnh Bình Dương, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.188 tỷ đồng; Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 223 nghìn tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng. Các kết quả này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân và doanh nghiệp tại Bình Dương, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú để nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong và sau khi dịch kết thúc. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi trong tình hình mới... Đồng thời, đề nghị Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bình Dương, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục phối hợp giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.