Mở lớp học công chúng về quản lý tai nạn rắn độc cắn

NDO - Ngày 22/11, Trung tâm Thông tin-Tư liệu và Viện Nghiên cứu hệ Gen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp tổ chức lớp học công chúng “Rắn độc Việt Nam: Đa dạng loài, tầm quan trọng trong nghiên cứu và quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam” nhằm phổ biến kiến thức chung về rắn độc và cách xử lý khi bị rắn cắn.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học công chúng thu hút sự quan tâm nhiều người.
Lớp học công chúng thu hút sự quan tâm nhiều người.

Diễn giả của lớp học là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo - tác giả và đồng tác giả 136 bài báo khoa học, trong đó 118 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCIE. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo đã và đang chủ nhiệm 20 đề tài, nhiệm vụ và 5 dự án quỹ hỗ trợ quốc tế…

Rắn độc cắn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong 20 bệnh nhiệt đới bị lãng quên. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,7 triệu trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có khoảng 140.000 người tử vong. Tuy nhiên, các nghiên cứu về rắn độc và dịch tễ rắn độc cắn ở Việt Nam còn ít được quan tâm.

 Mở lớp học công chúng về quản lý tai nạn rắn độc cắn ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo giảng tại lớp học.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo, Việt Nam là nơi cư ngụ của khoảng 60 loài rắn, trong đó có các loại rắn độc như: hổ mang, cạp nong, cạp nia, rắn lục xanh… Mỗi năm, ở nước ta có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn với tỷ lệ tử vong do rắn độc cắn ở mức tương đối cao: 80 người/1 triệu dân.

Bài giảng của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo đã cung cấp thông tin về các loài rắn có độc, vùng phân bố của chúng và dữ liệu về các trường hợp bị rắn cắn. Trước thực tế này, việc nghiên cứu về các loài rắn làm cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc là rất cần thiết.

Là nước đầu tiên trên thế giới chế tạo ra huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, tính đến nay, Việt Nam đã điều chế thành công các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, lục tre, hổ chúa và chàm quạp. Tuy nhiên, một số loại huyết thanh kháng nọc rắn khác vẫn phải nhập khẩu.

Trong nhiều năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo đã giám định các loài rắn, kịp thời hỗ trợ cho các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân đang nguy kịch do rắn cắn. Anh đã và đang xây dựng được cơ sở dữ liệu ban đầu về dịch tễ rắn độc và xác định được các loài rắn độc thường gặp để có cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc của một số loài rắn thường gặp.

 Mở lớp học công chúng về quản lý tai nạn rắn độc cắn ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Thông tin-Tư liệu, cho biết sẽ mở lớp học dành cho các học sinh.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Thông tin-Tư liệu, lớp học công chúng này là hoạt động tiếp nối chuỗi các sự kiện nhằm phổ biến kiến thức khoa học tới công chúng mà Trung tâm Thông tin-Tư liệu đã phối hợp các viện nghiên cứu tổ chức trong thời gian qua. Bài giảng của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho người nghe, cũng như xác định được những vấn đề nghiên cứu trọng tâm về loài rắn để phục vụ trong điều trị của hệ thống y tế.

Dự định trong thời gian tới Trung tâm Thông tin-Tư liệu sẽ tổ chức lớp học công chúng về vấn đề này tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dành cho các cháu học sinh cùng các bậc phụ huynh.