Mô hình đào tạo luân phiên tạo sự kết nối bền chặt giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp

NDO -

Xây dựng mô hình đào tạo luân phiên là hoạt động chiến lược của mỗi trường đại học. Mô hình này bao phủ nhiều khía cạnh như xã hội, pháp lý, tài chính. Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) sẽ đồng hành cùng các trường đại học, trông công tác nâng cao năng lực để đáp ứng được những tiêu chí của các đối tác trong lĩnh vực kinh tế.

Mô hình đào tạo luân phiên tạo sự kết nối bền chặt giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp

Hôm nay (31/8), Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến quốc tế, với chủ đề “Phát triển mô hình đào tạo luân phiên”, với sự tham gia của hàng trăm đại diện các cơ sở giáo dục - đào tạo và doanh nghiệp từ nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 

Mô hình đào tạo luân phiên, hay đào tạo kép (“dual education” trong tiếng Anh), là một hướng tiếp cận mới mẻ, cho phép sinh viên có thể sắp xếp luân phiên thời gian học tập lý thuyết trên trường đại học và trải nghiệm thực tiễn tại nơi làm việc. Thông thường, sinh viên sẽ có từ 2 đến 3 ngày học tập tại trường và thời gian còn lại tại doanh nghiệp. Cũng có trường áp dụng chế độ luân phiên theo học kỳ.

Mô hình đào tạo luân phiên được đánh giá là một hướng đi có nhiều triển vọng, cho phép tạo ra sự kết nối bền chặt hơn giữa hai khối cơ sở giáo dục - đào tạo và doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh tăng cường tự chủ đại học, mô hình này khuyến khích huy động mọi nguồn lực và sáng kiến cải tiến chất lượng đào tạo phục vụ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội cả về lượng lẫn về chất. 

Hơn nữa, “dual education” giúp xây dựng các chương trình đào tạo hiện đại, đáp ứng được những yêu cầu cao nhất của xã hội và thị trường lao động. Xây dựng mô hình đào tạo luân phiên là hoạt động chiến lược của mỗi trường đại học. Mô hình này bao phủ đồng thời khía cạnh xã hội, pháp lý, tài chính,...

Tuy nhiên, mô hình đào tạo luân phiên còn gặp phải không ít những rào cản, điển hình là chi phí đào tạo do doanh nghiệp chi trả. Điều cần thiết lúc này để “dual education” có thể đạt được hiệu quả cao nhất là các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về mặt tài chính hay thông qua các cơ chế trợ cấp, miễn giảm thuế.

Bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chỉ có khả năng khả năng tiếp nhận nhất định. Quy trình quản trị nội bộ tại cả doanh nghiệp lẫn trường học cần xem xét điều chỉnh để phù hợp với những yêu cầu mới. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát chất lượng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến, GS. Jean-Marc Lavest, Giám đốc khu vực AUF tại Châu Á - Thái Bình Dương nhận định rằng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm là một trong những chỉ số đánh giá năng lực của cơ sở giáo dục đại học. “Đào tạo luân phiên có thể hiểu là một kỳ thực tập từ một cho tới vài tuần nhằm chuẩn bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc”. Tại các quốc gia châu Âu, mô hình này càng ngày càng được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa.

Ông cũng nhấn mạnh, AUF sẽ đồng hành cùng các trường đại học trong công tác nâng cao năng lực nhằm đáp ứng những yêu cầu của các đối tác trong lĩnh vực kinh tế.