Mở cửa thị trường tìm hướng đi cho ngành chăn nuôi

NDO -

Từ nay đến cuối năm 2021, dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao… Đó là nhận định của quyền Cục trưởng Chăn nuôi về một số khó khăn thách thức mà ngành sẽ đối mặt trong những tháng cuối năm.

Ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm.
Ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm.

Nhiều khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm

Theo báo cáo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 650 triệu USD, tăng 14,5%; giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 727 triệu USD, tăng 51,5%.

Ước tính trong sáu tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 12,8 nghìn con lợn giống, tương đương kim ngạch nhập khẩu khoảng 10 triệu USD; trên 2,2 triệu con gia cầm giống, tương đương kim ngạch nhập khẩu khoảng 12,2 triệu USD.

Đối với thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong sáu tháng đầu năm, ước tính tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 10,8 triệu tấn, tương ứng với 3,84 tỷ USD, tăng 32,7% về số lượng và 50,3 % về giá trị so với cùng kỳ 2020. Trong đó thức ăn giàu năng lượng đạt 6,8 triệu tấn, tương ứng 1,68 tỷ USD, tăng 75,6% về số lượng và 112% về giá trị so với cùng kỳ 2020; thức ăn giàu đạm đạt 3,73 triệu tấn, tương ứng với 1,65 tỷ USD, giảm 6,3% về số lượng và tăng 23,7% về giá trị; thức ăn bổ sung đạt 0,31 triệu tấn, tương ứng 0,49 tỷ USD, giảm 1,5% về số lượng và tăng 17,8% về giá trị.

Mở cửa thị trường tìm hướng đi cho ngành chăn nuôi -0
 Trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Ở chiều ngược lại, trong sáu tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 196,8 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 60 triệu USD, tăng 35,2; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 54,6 triệu USD, tăng 30,8%.

Ông Dương Tất Thắng, quyền Cục trưởng Chăn nuôi, nhận định: Sáu tháng cuối năm 2021, dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương và những nơi dịch bệnh đã được khống chế vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.

Năm 2021, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò đạt khoảng 395 ngàn tấn (tăng 6%). Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).

Tiếp tục tăng đàn, tái đàn ổn định phát triển chăn nuôi

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Cục sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tái đàn, tăng đàn đàn lợn theo hướng an toàn sinh học; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc;... Tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới. Có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng đột biến về giá cả đối với các sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông - lâm - nghiệp để chủ động một phần thức ăn trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm.

Mở cửa thị trường tìm hướng đi cho ngành chăn nuôi -0
 Tiếp tục tăng đàn, tái đàn bảo đảm chăn nuôi.

Nhận định về những khó khăn thách thức của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, trong nền kinh tế thị trường có độ mở cao như hiện nay, việc ngành chăn nuôi chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố khách quan của cung cầu thị trường trên thế giới là hết sức bình thường.

Theo Thứ trưởng Tiến, đã chăn nuôi theo thị trường sẽ có lúc được, lúc mất, lúc lãi, lúc hòa nên không vì nhìn thấy một vài thời điểm, hiện tượng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá gia súc, gia cầm giảm mà coi đó là thực trạng chung của ngành.

“Cần nhìn nhận ngành chăn nuôi trong những năm qua toàn diện như một cuộc cờ, và cuộc cờ này phải khẳng định là chúng ta đang đi đúng hướng. Ngành chăn nuôi cần phải nhìn rõ, nhìn thẳng vào thực trạng của mình để biết điểm mạnh, điểm yếu ở đâu; mặt nào phát huy, lĩnh vực nào cần cải thiện để từ đó có định hướng, dự báo kịp thời hơn, tránh việc bị động, chạy theo diễn biến của thị trường”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.

Định hướng nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung cao độ, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ thành quả đạt được, đây là điều kiện tiên quyết cần ưu tiên.

Song song đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là lĩnh vực chế biến để nâng giá trị gia tăng cho ngành.

Đặc biệt, cần có các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề cho từng lĩnh vực của ngành, từ chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy cẩm, gia súc ăn cỏ, vật nuôi đặc sản… để cùng mổ xẻ, tháo gỡ khó khăn, mở cửa thị trường, tìm những hướng đi mới bên cạnh những sản phẩm truyền thống, thế mạnh đã vàng đang làm tốt cần tiếp tục duy trì.