Triển khai đúng tiến độ các sáng kiến
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế sáng 30-8, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, kết quả quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị AEM 52 lần này đối với Việt Nam là việc các Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch, mặc dù các nước ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cụ thể, hai sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm Đổi mới, Sáng tạo ASEAN”. Ngoài ra, 11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.
Các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua Biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ danh mục hàng hóa ASEAN (AHTN) bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với Chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20-9 tới đây.
“Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Ngoài ra, ASEAN tiếp tục thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu.
Mục tiêu của việc thảo luận là đưa ra các giải pháp tổng thể, giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và đủ vững mạnh làm điểm tựa cho các nước ASEAN sở hữu vị thế cạnh tranh thuận lợi so với các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là việc tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên ASEAN, tận dụng các cơ hội thời cơ trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận định hướng xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau đại dịch.
Thông báo về các kết quả hợp tác với các đối tác ngoại khối, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Mặt khác, Bộ trưởng các nước ASEAN đã có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, New Zealand, Canada, hoặc với cả những đối tác tiềm năng trong tương lai như Vương quốc Anh.
Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng ASEAN cũng nhất trí việc duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.
Ưu tiên việc ký RCEP
Đặc biệt, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay cho nên việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng đạt được kết quả khả quan, bao gồm việc xác định các quy tắc bổ sung đối với các dòng thuế, hàm lượng nội địa của sản phẩm xuất khẩu, thời điểm kết thúc rà soát pháp lý,... Theo đó, các Bộ trưởng thảo luận rất kỹ, trao đổi và tìm ra hướng giải quyết.
Chia sẻ thêm về vấn đến này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các Bộ trưởng rất hài lòng và đánh giá kết quả đạt được theo đúng tiến độ yêu cầu. Đồng thời, đưa ra những chỉ đạo cụ thể để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, kể cả trong vấn đề rà soát pháp lý, quy trình thực hiện nội bộ, cũng như thúc đẩy đạt mục tiêu hoàn tất các công việc chuẩn bị để ký vào cuối năm 2020.
Các nước thành viên RCEP đều tạo điều kiện để Ấn Độ tiếp tục tham gia ký RCEP, đồng thời đã có ý kiến chỉ đạo rất cụ thể. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng các mục tiêu của các lãnh đạo RCEP vào cuối năm 2019 ở Hội nghị thượng đỉnh Bangkok sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng lộ trình.
Các Bộ trưởng cũng tin tưởng rằng, việc ký RCEP sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên nguyên tắc, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế khu vực.
"Đối với Việt Nam, Hiệp định RCEP khi được ký và đưa vào thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, da giày và nông nghiệp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thông qua Hội nghị AEM 52 và các hội nghị liên quan, Việt Nam đã phát huy tối đa vai trò Chủ tịch ASEAN thông qua việc chủ động đề xuất cũng như tham gia các sáng kiến ứng phó với tác động với dịch Covid-19.
Việt Nam đã rất chủ động trong việc thực hiện các cam kết duy trì mở cửa thị trường theo cam kết tại các sáng kiến ứng phó dịch Covid-19 bằng việc dỡ bỏ các biện pháp tạm thời hạn chế xuất khẩu đối với khẩu trang y tế và gạo lần lượt vào tháng 4 và tháng 5-2020 để góp phần duy trì nguồn cung cấp lương thực và y tế trong khu vực.
Ngoài ra, cũng từ tháng 5 năm nay, Việt Nam đã ban hành Thông tư cho phép chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ với chữ ký điện tử và con dấu điện tử hoặc bản chụp giấy chứng nhận xuất xứ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và cho thương mại trong khu vực và thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Với nỗ lực duy trì các hoạt động hợp tác trong ASEAN, vai trò và tiếng nói của Việt Nam càng được ghi nhận, đóng góp vào quá trình thảo luận, thống nhất các vấn đề hợp tác kinh tế của ASEAN theo hướng bảo đảm lợi ích của Việt Nam cũng như của ASEAN, đặc biệt là thúc đẩy thúc đẩy việc xử lý nốt những vấn đề còn tồn đọng trong đàm phán Hiệp định RCEP và thúc đẩy để các nước khẳng định mục tiêu ký Hiệp định vào cuối năm nay – một trong những ưu tiên hợp tác kinh tế của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.