Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố quy định, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9, đang được các địa phương vận dụng thực hiện với kỳ vọng bảo đảm minh bạch hóa việc sử dụng vỉa hè.
Hầu hết vỉa hè bị chiếm dụng
Theo Phòng Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có gần 5.000 tuyến đường có bề rộng từ 5 m trở lên (tổng chiều dài hơn 4.000 km); trong đó, có hơn một nửa số tuyến đường không có vỉa hè.
Theo Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 6/2/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố, có 117 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, 13 tuyến đường cho phép sử dụng vỉa hè để phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa và 39 tuyến đường cho phép đỗ xe dưới lòng đường có thu phí. Như vậy, 90% vỉa hè còn lại được quản lý như thế nào? Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân, Phòng Quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố đưa ra nhận định:
“Nếu nhìn vào những con số khiêm tốn trên (vỉa hè đang được quản lý) so với thực tế có thể thấy, hiện nay rất nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh “chui” trên vỉa hè và thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường diễn ra ở nhiều nơi”.
Ghi nhận tại Quận 3, có 59 tuyến đường và gần như vỉa hè của những tuyến đường này đều bị chiếm dụng vào nhiều mục đích. Đơn cử, các tuyến đường như: Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thông, Rạch Bùng Binh, Lý Chính Thắng, Trương Định, Pasteur, Hai Bà Trưng… đều bị chiếm dụng từ 50-100% diện tích, khiến người đi bộ không còn lối đi. Tại Quận 1, ở khu vực trung tâm thành phố, hình ảnh vỉa hè luôn bị “lấp đầy” rất dễ nhận thấy trên các tuyến đường như Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng Tám, Lê Lợi...
Điều đáng nói, tại các tuyến đường này, địa phương đã kẻ vạch để dành lối đi cho người đi bộ nhưng thực tế nhiều hàng quán đã “nuốt” mất vỉa hè cho nên người đi bộ đành phải đi dưới lòng đường, dù biết không đúng luật và nguy hiểm. Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Việc sử dụng vỉa hè không đúng mục đích sẽ gây nguy hiểm cho an toàn giao thông. Khi vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ không có đủ không gian để di chuyển an toàn, buộc phải đi dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Đặc biệt, người già, trẻ em, người khuyết tật sẽ gặp khó khăn trong việc di chuyển trên lòng đường. Cũng theo Thượng tá Quới, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra nhan nhản trên các tuyến đường có vỉa hè, nhất là tập trung ở khu vực trung tâm thành phố, ở các Quận: 1, 3, 5, 10, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và khu vực trung tâm thành phố Thủ Đức (Quận 2 cũ).
Cá biệt, một số hộ kinh doanh gia đình chiếm dụng vỉa hè làm nơi để xe cho các quán ăn, quán nhậu, khu vực chung quanh bệnh viện. Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, hiện nay, công tác xử phạt hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn bất cập, không thể tạm giữ hết tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, khó xác định đối tượng vi phạm để răn đe, giáo dục.
Nên quy hoạch khu vực buôn bán tập trung
Đại diện Phòng Quản lý đô thị Quận 1 cho biết: Quận đã lập danh mục quản lý và thu phí sử dụng tạm vỉa hè theo Quyết định 32 của Ủy ban nhân dân thành phố. Theo đó, có ba hình thức quản lý, cấp phép sử dụng tạm vỉa hè, gồm: dịch vụ kinh doanh, mua bán với 75 tuyến đường; dịch vụ giữ xe có thu phí gồm 44 tuyến đường; các hộ kinh doanh đi kèm với địa điểm giữ xe không thu phí (tự quản) với 76 tuyến đường.
Hiện Quận 1 đã trình danh mục này cho Sở Giao thông vận tải, nếu được chấp thuận thì quận sẽ triển khai đến 10 phường và quán triệt rộng rãi quy định để thực hiện công khai trên địa bàn quận. Ông Nguyễn Thành Sơn, Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố đánh giá:
Việc một số địa phương như Quận 1 đã triển khai thí điểm tập kết những khu vực chuyên bán hàng rong đã giúp cho việc bán hàng rong vỉa hè diễn ra an toàn, trật tự hơn, hạn chế tình trạng chèo kéo, quấy rối người mua. Cụ thể năm 2017, Ủy ban nhân dân Quận 1 đã khai trương phố ẩm thực đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Chiêm, kế đến là phố ẩm thực ở Công viên Bách Tùng Diệp tiếp tục được khai trương.
Đây là hai khu ẩm thực được Quận 1 quy hoạch, dành cho người bán hàng rong trên vỉa hè đã hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông qua chủ trương triển khai một số Đề án thí điểm tổ chức chợ phiên cuối tuần, khu ẩm thực thí điểm kinh doanh (có thời hạn) tại các tuyến đường trên địa bàn Quận 1; trong đó, có mô hình chợ phiên cuối tuần tại Công viên bến Bạch Đằng đã thu hút đông đảo du khách. Do đó, những mô hình này cần được nhân rộng.
Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải thành phố) Ngô Hải Đường cho biết: Sở đang rà soát, công bố các tuyến đường được đỗ xe dưới lòng đường, các tuyến đường được phép tập kết vật liệu theo quy định tại Quyết định 32.
Riêng quận, huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải và Công an Thành phố rà soát, thống nhất danh mục các tuyến đường được phép đỗ xe tự quản, đỗ xe có thu phí, được kinh doanh buôn bán trên địa bàn mình.