Miệt vườn trong toàn cảnh nông nghiệp ĐBSCL

Nông sản từ miệt nào có ý nghĩa kinh tế - xã hội ở các mức độ khác nhau, mặc dù những loại miệt này không nằm trong hệ thống phân loại nào mà do dân "tự phong"; và cũng có thể tự mất đi khi không còn "phong thái" nữa. Miệt như là một mô hình kinh tế mở, nét đặc trưng của ÐBSCL, có tính truyền thống dài lâu. Miệt vườn được hình thành từ vùng đất cát cao ven biển, trồng nhiều loại cây trồng cạn thích hợp như: hành tỏi, củ đậu (củ sắn), giây thuốc cá để diệt cá dữ ở vuông tôm do chứa hoạt chất Rotenone. Trên giồng cát ven biển có loại cây ăn trái đặc sản như: na dai, nhãn hạt lép được trồng trên giồng cát từ huyện Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng đến Bạc Liêu. Cộng đồng dân cư ở huyện Vĩnh Châu chủ yếu gồm ba dân tộc anh em: người Khmer sống và sản xuất trên giồng cát chiếm khoảng một phần hai dân số của huyện, còn lại là người Kinh thường làm ruộng ven kênh, người Hoa buôn bán ở chợ. Một loại tài nguyên nước ngọt kỳ diệu là trên giồng cát ven biển, chỉ cần đào một giếng nước không sâu lắm đã có nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Một tài liệu nghiên cứu cho thấy, nguồn nước này có tuổi hàng nghìn năm, cho nên rất sạch. Nước lấy ở giếng sâu trong nội đồng thường bị mặn phèn. Không ai gọi vùng độc canh lúa là miệt, mặc dù có lúa gạo hàng hóa cho an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo đứng thứ nhì trên thế giới.

Như vậy, có thể gọi miệt như những điểm chấm phá rực rỡ của biển lúa miền Tây Nam Bộ, theo hướng đa dạng hóa sản xuất vì tổng diện tích canh tác lúa đạt hơn 1,8 triệu ha, diện tích gieo trồng lúa đạt hơn 3,8 triệu ha, trong khi diện tích vườn cây trái có hơn 230 nghìn ha. Trong số những loại miệt ở ÐBSCL như kể trên, thì "miệt vườn" có ý nghĩa kinh tế - xã hội với đông đảo dân cư sâu rộng nhất. Văn minh miệt vườn ngày một phát triển với việc áp dụng công nghệ mới thay cho công nghệ tập quán nào có hiệu quả thấp. Ðối với miền Tây Nam Bộ nói chung, miệt vườn vừa là cái nôi, vừa là nơi lưu giữ, phát triển và sử dụng tốt nhất. Các tua du lịch vườn sinh thái đang được mở rộng cũng dựa trên những đặc điểm trên. Tuy chưa được đầu tư thỏa đáng nhưng sản phẩm nông nghiệp miệt vườn cung cấp cho cả nước chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ tính sản phẩm trái cây, vùng này đã đóng góp 70% số sản lượng cả nước, bao gồm hơn 30 loại sản phẩm khác nhau. Nếu tính giá trị sản lượng của cả hệ thống VAC thì thu nhập từ kinh tế vườn cao hơn nhiều. Ngoài việc chăn nuôi gia súc, gia cầm truyền thống, người làm vườn miền Tây Nam Bộ đã có sản phẩm hàng hóa nuôi động vật hoang dã như: rắn, trăn, rùa, cá sấu... và đang áp dụng công nghệ nuôi thử trai lấy ngọc, trồng thử cây tóc gây trầm hương, trầm kỳ nam.

Tiến trình CNH, HÐH nghề làm vườn ở ÐBSCL đã có những tiến bộ. Giống cây ăn quả đầu dòng, sạch bệnh đang bắt đầu đẩy lùi thị trường trôi nổi. Ðã có vườn có hệ thống tưới phun đến tận vòm lá, vườn có thiết bị tưới tận gốc, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Nhiều loại kỹ thuật khác nhau đã được áp dụng để thâm canh và phòng trừ sâu bệnh. Tiến bộ của nghề làm vườn còn biểu hiện ở nhiều thương hiệu trái cây được chấp nhận và có tín nhiệm. Nhiều sự lựa chọn cần được sáng suốt quyết định để nâng miệt vườn lên tầm cao mới, khắc phục tình trạng tụt hậu và bị hàng nhập lấn át. Ta có giống trái cây nổi tiếng thế giới như bưởi Năm Roi, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng... nhưng khi thành hàng hóa, nhất là khi xuất khẩu thì cả lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng, số lượng và thời hạn giao hàng; nhất là giá thành lại cao hơn nhiều nước khác. Có lẽ, việc cần xem trước hết là cơ cấu đầu tư vĩ mô. Cần xây dựng nhà máy chế biến trái cây nhằm giải quyết "đầu ra" cho sản xuất, có vậy mới phát triển được sản xuất. Thế nhưng bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng, xây dựng hàng chục nhà máy mới sử sụng 30% công suất và thấp hơn. Cũng với số vốn ấy chia ra một phần cho xây dựng cơ sở hạ tầng miệt vườn, bao gồm việc nâng cao tay nghề cho người làm vườn, thì hiệu quả sẽ cao hơn, bền vững hơn. Về kỹ thuật, cũng cần có sự lựa chọn:  phát triển miệt vườn theo hướng đa canh hay chuyên canh. Chuyên canh mới có thể có số lượng hàng hóa lớn, dễ bảo đảm đồng đều và chất lượng theo yêu cầu của thị trường. Thế nhưng, khi rớt giá thì người nông dân thiệt thòi. Nên phát triển kinh ngiệm của nông dân đang thực hiện: miệt vườn chuyên canh gồm nhiều vườn đa canh theo hệ thống VAC. Khi việc bao tiêu nông sản được thực hiện nghiêm túc trên diện tích rộng, thì người làm vườn miền Tây Nam Bộ vốn có tập quán sản xuất hàng hóa sẽ tập trung sản xuất những loại cây cho trái, chắc chắn có nơi tiêu thụ. Những vướng mắc ấy của người dân miệt vườn đang chờ đợi các cấp, các ngành hợp sức tháo gỡ để sản xuất hàng hóa vùng ÐBSCL phát triển.