Mang rừng về nguyên bản

500 cây sao đen đã được trồng trên diện tích 4 ha rừng cộng đồng tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Hoạt động này nằm trong dự án “Mang rừng về nguyên bản”, nhằm cùng cộng đồng người Cơ Tu trồng cây gỗ lớn thay cho trồng keo, góp phần bảo đảm môi trường phát triển bền vững, giảm tác động tiêu cực của thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Người Cơ Tu tham gia trồng rừng để mở rộng thêm những diện tích rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa.
Người Cơ Tu tham gia trồng rừng để mở rộng thêm những diện tích rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa.

Buổi sáng đầu xuân, gần 100 người dân cùng các đại biểu đã vận chuyển cây giống mới và phân bón lên khu rừng cộng đồng của người Cơ Tu ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí. Sau khi được hướng dẫn về quy trình, mọi người nhanh chóng tiến hành trồng 500 cây sao đen trên mảnh rừng đã được người dân dọn cỏ, đốt thực bì trước đó.

Đây là rừng cộng đồng, thời gian qua, thôn có sử dụng để trồng keo, tuy nhiên hằng năm bị bão lũ làm ngã đổ, sạt lở đất, cùng với địa hình đồi núi phức tạp cho nên nguồn thu nhập từ trồng keo không được cao. Cùng với đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, hơn 10 năm nay, vị trí này bà con chưa có điều kiện chuyển sang canh tác những giống cây khác. Ngay khi tiếp nhận dự án “Mang rừng về nguyên bản” của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), xã Hòa Bắc đã sẵn sàng tham gia ngay.

Anh Trần Xuân Trung, Trưởng thôn Giàn Bí chia sẻ: “Cảm ơn các đơn vị đã phối hợp tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi giống cây trồng; việc giữ gìn nguồn nước và phủ xanh đất trống, đồi trọc được bà con trong thôn sẵn sàng ủng hộ. Chúng tôi mong rằng rừng cộng đồng sau này sẽ là mô hình để phát triển kinh tế như trồng xen dược liệu hay cây trồng ngắn hạn hoặc phát triển du lịch”.

Theo đó, trong giai đoạn 1 (từ tháng 2-5/2024), GreenViet sẽ phối hợp với địa phương và người dân trồng khoảng 38.556 cây rừng trên diện tích 26,1 ha rừng cộng đồng và rừng của các hộ dân tại tiểu khu 18, 21, 27 thuộc xã Hòa Bắc. Tổng diện tích rừng sẽ thực hiện trong toàn dự án khoảng 30 ha với 39.600 cây gỗ lớn, gồm các loài cây như sao đen, lim xanh, giổi xanh, lát hoa. Hiện nay, đã có 11 hộ dân đăng ký tham gia chương trình với khoảng 26 ha.

Anh Phan Văn Cảnh (người dân thôn Giàn Bí) đã trồng keo hơn 10 năm qua với diện tích 5 ha. Sau 4 năm, keo có thể thu hoạch và cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng, nhưng bão gió hằng năm ảnh hưởng nhiều đến sản lượng cũng như sự phát triển của keo. Khi nghe được thông tin về việc tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn, anh đã đăng ký ngay.

Hiện nay, gia đình anh Cảnh đã thu hoạch 2 ha keo, triển khai dọn cỏ, đốt thực bì và phơi đất để sẵn sàng trồng cây gỗ mới. “Tôi trồng trước 2 ha thôi, còn 3 ha tạm thời vẫn đang giữ để trồng keo tiếp để “lấy ngắn nuôi dài”. Khi 2 ha rừng cây gỗ lớn có hiệu quả cũng như cây trồng phát triển tốt thì tôi sẽ tiếp tục mở rộng trồng tiếp. Tôi sẵn sàng tham gia dự án để chuyển đổi từ cây keo sang cây gỗ lớn, sau này cây lớn lên sẽ phủ xanh đồi trọc. Tuy nhiên vẫn còn chút lo lắng về kinh phí, chăm sóc, cho nên tôi mong rằng chương trình sẽ theo sát để bà con được duy trì sự thay đổi tích cực này”, anh Phan Văn Cảnh cho biết.

Xã Hòa Bắc có hơn 32.000 ha rừng. Rừng Hòa Bắc được ví như lá phổi xanh thứ hai của thành phố. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng mà địa phương đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần bảo vệ an ninh nguồn nước. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp các đơn vị tập trung tuyên truyền, vận động thực hiện một số mô hình trồng rừng cây gỗ lớn, nhằm bảo đảm môi trường phát triển bền vững cũng như chống xói mòn, sạt lở đất.

Dự án “Mang rừng về nguyên bản” được thực hiện thông qua nguồn tài trợ của dự án Chạy bộ vì cộng đồng UpRace 2023 và các doanh nghiệp khác đồng tài trợ. GreenViet là đơn vị phụ trách kỹ thuật trồng, đồng thời giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động trồng cây gỗ lớn tại Hòa Bắc. Để thực hiện được dự án, các cán bộ của Trung tâm GreenViet đã đến khảo sát tình hình địa phương cũng như người dân Cơ Tu về các loài giống cây gỗ lớn có thể trồng và phát triển tốt.

Phó Giám đốc Trung tâm GreenViet Hoàng Quốc Huy cho biết: “Chúng tôi rất vui khi là cầu nối để mang những đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp đến với người dân Hòa Bắc nhằm mục đích trồng rừng bản địa. Ý nghĩa quan trọng của bảo vệ phát triển rừng là giữ gìn nguồn nước và sinh kế cho bà con một cách bền vững nhất. GreenViet cam kết sẽ đồng hành cùng với bà con để triển khai trực tiếp các hoạt động trồng rừng trên địa bàn xã một cách tốt nhất, hiệu quả và thực tiễn nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn chính quyền xã Hòa Bắc, hai thôn và bà con Cơ Tu cùng tham gia trồng rừng, chăm sóc để càng ngày càng mở rộng diện tích rừng của cộng đồng, rừng của vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa”.