Mắc chứng tiểu dưỡng chấp: Khi nào cần phải đi bệnh viện?

NDO - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, trong tuần vừa qua anh đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhân là nam giới, mắc bệnh tiểu ra dưỡng chấp.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh bác sĩ cung cấp.
Ảnh bác sĩ cung cấp.

Cả hai bệnh nhân đều vào viện trong tình trạng suy kiệt, mệt mỏi, người sút cân, tiểu tiện nước trắng đục, để một lúc sẽ đông đặc. Trước đó, cả 2 bệnh nhân đều đã đi khám ở cơ sở tuyến dưới, được chẩn đoán viêm tiết niệu. Bệnh nhân điều trị không đỡ, nước tiểu ngày càng đặc, cơ thể suy kiệt, gầy yếu.

Bác sĩ Liên cho biết, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh mắc chứng tiểu dưỡng chấp. Đây là bệnh do giun chỉ hoặc chấn thương vùng thận. Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi bóc bạch mạch. Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi sát sao. Nước tiểu trong trở lại, ăn uống tốt hơn, tăng cân. Sau 1 tuần đến 10 ngày, các bệnh nhân có thể ra viện.

Dưỡng chấp nằm trong hệ bạch huyết, thành phần chủ yếu là triglycerid, phốt pho lipid, cholesterol tự do. Khi người bệnh bị chấn thương hoặc có giun chỉ, dưỡng chấp có thể rò từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.

Bệnh thường không có biểu hiện gì hoặc sốt nhẹ nếu nhiễm khuẩn. Biểu hiện đầu tiên là nước tiểu trắng đục. Tiểu dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định.

"Người mắc có thể trạng gầy tùy theo mức độ bệnh nhưng vẫn sinh hoạt bình thường, không gặp tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu như không tiểu dắt, không tiểu buốt, không đau quặn thận", bác sĩ Liên cho hay.

Vì thế, chuyên gia này khuyến cáo, để phòng bệnh, mọi người cần phải ăn uống vệ sinh, đặc biệt là ngủ mắc màn vì giun chỉ lây qua muỗi đốt, tẩy giun định kỳ. Khi màu sắc nước tiểu thay đổi, người dân nên đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.