Con cháu Lạc Hồng

Luôn nỗ lực gánh vác việc đạo, việc đời

Thượng Chánh Phối sư Huỳnh Thanh Phong (trong ảnh), Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, Bến Tre sinh năm 1967, tại xã Hiếu Nghĩa, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Hiện ông ở tại số 19 đường 47, phường Bình Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Luôn nỗ lực gánh vác việc đạo, việc đời

Sinh ra trong gia đình có đạo nên ông vào đạo từ rất sớm (năm 1980), và giữ nhiều chức vụ, nhiệt thành việc đạo. Tại Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, ông được bầu vào Ban Thường trực Hội thánh, giữ chức vụ Thượng Chánh Phối sư Phó Ban Thường trực. Cũng tại Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, ông được Đại hội bầu giữ chức vụ Phó Ban Thường trực Hội thánh, Chức sắc Thượng Chánh Phối sư và Trưởng Ban Thư ký tổ chức Liên giao các Hội thánh và Tổ chức Cao Đài.

Cùng với con đường hành đạo là cuộc sống bên đời. Với tuổi trẻ, sức thanh niên hăng say xây dựng quê hương, từ năm 1994-2010, ông tham gia giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bến Tre khóa I, II, III, cũng thời gian này (1994-2005), ông tham gia giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa III, IV. Năm 2019, ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX (2019-2024).

Ông luôn mạnh dạn đứng mũi chịu sào, gánh vác công việc để Hội thánh ngày một phát triển và tạo niềm tin cho tín đồ. Với những cống hiến cho cả đạo và đời, ông đã được tặng nhiều bằng khen. Cụ thể: ông được Hội thánh cấp bốn bằng tưởng thưởng công đức (bằng cao nhất của đạo Cao Đài) và nhiều bằng khen từ năm 2004 đến năm 2020. Năm 2012, ông được Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa. Năm 2013, ông được tặng Kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" của Bộ Công an. Năm 2016, ông được nhận Bằng khen do Ban Tôn giáo Chính phủ tặng, về việc "Đã có thành tích hướng dẫn các Hội thánh Cao Đài đoàn kết, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước"; Năm 2019, ông nhận Bằng khen "vì đã có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" do Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng. Năm 2020, ông nhận Bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong việc hướng dẫn chức sắc, tín đồ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước" do Ban Tôn giáo Chính phủ tặng.

Khi nói đến đạo đức tôn giáo và ứng dụng trong cuộc sống, ông có suy nghĩ, làm sao để truyền tải những yếu tố đạo đức tôn giáo của đạo Cao Đài phù hợp với cuộc sống của chức sắc, tín đồ và những người dân nhằm nâng cao đạo đức, lối sống của người Việt Nam trong xã hội hiện nay. Theo ông, cốt lõi của đạo đức đạo Cao Đài mà Đức Chí Tôn đã dạy là tín đồ phải thực hành Ngũ giới cấm (bất sát sinh, bất du đạo, bất tửu nhục, bất tà dâm, bất vọng ngữ), tinh tấn trau dồi đức hạnh thông qua Tứ đại điều quy, tức bốn điểm chính: ôn hòa, cung kính, khiêm tốn, nhường nhịn (ôn-cung-khiêm-nhường). Là tôn giáo ra đời trên đất nước Việt Nam, đạo Cao Đài đề cao giáo dục đạo đức theo tiêu chuẩn Nho giáo để tín đồ dễ dàng thực hành theo như tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức,… Nền tảng đạo đức này được nhiều thế hệ tín đồ Cao Đài thực hành, làm trọn bổn phận, trách nhiệm của mình với gia đình, quê hương và đất nước, hình thành một lối sống đạo đức, nhân nghĩa, thiện lương, góp phần xây dựng nhân cách mẫu mực của người đạo Cao Đài trong đời sống xã hội Việt Nam.

Ông thường đưa vào bài giảng pháp của mình những thí dụ cụ thể có thể áp dụng giáo lý tôn giáo trong cuộc sống, như nói đến tính hòa hợp trong quan niệm tôn giáo của đạo Cao Đài là thể hiện tính khoan dung tôn giáo, khoan dung văn hóa mà nhân loại ngày nay đang đề cao, hướng tới nhằm xây dựng nền tảng đại đồng, hòa bình và yêu thương. Những giá trị của đạo đức tôn giáo Cao Đài luôn được tín đồ thực hành trong cuộc sống gia đình nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Đó là đề cao sự thủy chung trong cuộc sống gia đình, luôn làm điều có ích cho gia đình, xã hội, hiểu biết lẽ đạo lẫn lẽ đời, chăm lo lối sống đạo đức trong sáng, học tập tiến bộ văn minh.

Với đường hướng hoạt động"Nước vinh, đạo sáng", trên cương vị là những người đứng đầu của đạo, ông luôn giảng pháp, hướng dẫn tín đồ sống có đạo đức, hoàn thiện bản thân, sống có ích cho xã hội, đồng thời xây dựng con người chuẩn mực, toàn diện, đoàn kết, góp phần xây dựng xã hội hòa bình, an lạc dựa vào tôn chỉ "Công bình-Từ bi-Bác ái"